Vừa không bị bỏ lại phía sau nhưng cũng đồng thời đứng vững trước xu hướng mới luôn là thử thách không nhỏ đối với những người làm nghề truyền thông tiếp thị.
Theo ông Nguyễn Duy Thông, CEO Dentsu Redder, khi thị trường càng có nhiều xu hướng, doanh nghiệp càng phải quay về bên trong để làm vững các giá trị cốt lõi của mình
Là người có rất nhiều kinh nghiệm trong ngành truyền thông tiếp thị, ông Nguyễn Duy Thông, đồng sáng lập kiêm CEO Dentsu Redder, cũng có những lúc sợ mình bị FOMO (sợ bị bỏ lỡ), không bắt kịp với xu hướng trong bối cảnh mà mọi thứ thay đổi rất nhanh. Tuy nhiên, cái neo cho những người làm truyền thông để vững vàng trước những cơn sóng chính là việc xác định sức mạnh cốt lõi của nghề.
“Chiến lược và sáng tạo trong truyền thông cần phải dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng và sản phẩm, thay vì chỉ chạy theo các xu hướng”, ông Thông nói trong một sự kiện mới đây do Endeavor Việt Nam tổ chức.
Thị trường ngày nay có quá nhiều lựa chọn, nhưng không gì có thể thay thế việc quay về với những yếu tố cốt lõi như hiểu khách hàng và xây dựng một hệ thống dữ liệu CRM chắc chắn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ bền vững với khách hàng mà còn giúp nắm bắt được sự thay đổi trong hành vi của họ, dù họ có di chuyển qua bất kỳ nền tảng nào.
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay có thể giúp các agency marketing tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa các công việc như tạo nội dung, phân tích dữ liệu và tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo.
Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong việc xây dựng chiến lược truyền thông sâu sắc. Mặc dù AI có thể làm tốt các công việc kỹ thuật, nhưng yếu tố cảm xúc và khả năng hiểu thấu khách hàng, sản phẩm mới là điều tạo nên sự khác biệt trong các chiến dịch truyền thông.
AI có thể tối ưu hóa chiến dịch và giúp tiết kiệm chi phí, nhưng chỉ con người mới có thể tạo ra thông điệp chạm đến cảm xúc và xây dựng mối liên kết bền vững với khách hàng. Do đó, dù công nghệ giúp làm việc nhanh chóng, nhưng để tạo sự khác biệt lâu dài, vẫn cần sự sáng tạo và hiểu biết sâu sắc từ con người.
“Khi nhiều người càng chạy theo các xu thế thì mình lại càng phải vững về cái gốc”, ông Thông nói.
Chạy theo các xu hướng ngắn hạn có thể là lựa chọn hấp dẫn, nhưng theo ông Thông, để đạt được thành công bền vững, doanh nghiệp cần phải xác định rõ ràng đối tượng mục tiêu và mục đích của chiến lược truyền thông.
Ví dụ, khi hướng đến gen Z thành thị, các kênh như podcast hay mạng xã hội có thể trở nên hiệu quả, trong khi đó, nhóm khách hàng là các thế hệ trước, đặc biệt là người cao tuổi, lại cần những kênh truyền thông truyền thống hơn.
Điều quan trọng là phải hiểu rõ mục tiêu và lựa chọn kênh phù hợp thay vì lao theo các xu hướng đang được thịnh hành.
Chiến dịch "Đi để trở về" của Biti's
Khi làm việc với các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến lớn, ông Thông chia sẻ rằng, trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp thường gặp phải vấn đề ngân sách marketing hạn chế.
Chẳng hạn, một thương hiệu như Bitis, vào năm đầu tiên, ngân sách marketing chỉ khoảng 3 tỷ đồng, trong khi hiện nay con số này đã lên tới 40 - 50 tỷ đồng, tùy vào mục tiêu kinh doanh. Sự chênh lệch này cho thấy rằng ngân sách marketing lớn hay nhỏ hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu mà doanh nghiệp đặt ra.
Với ngân sách hạn chế, doanh nghiệp không nên cố gắng làm dàn trải mà cần tập trung vào những chiến lược thật sự hiệu quả. Thay vì chi tiêu cho nhiều hoạt động khác nhau, họ cần tập trung vào chất lượng nội dung và chuyên môn.
Điều quan trọng là khi nguồn lực có hạn, doanh nghiệp cần thể hiện được sự khác biệt, kể câu chuyện thật và nhắm đến nhóm khách hàng mà họ có thể tiếp cận tốt nhất.
Ông Thông đặc biệt ấn tượng với chiến dịch "Đi để trở về" của Biti’s, đặc biệt là MV đầu tiên của Soobin Hoàng Sơn.
Đây không chỉ là một chiến dịch thương mại mà là một thông điệp ý nghĩa về tuổi trẻ: khám phá, phát triển bản thân, nhưng càng đi xa, lại càng biết trân trọng những điều yêu thương đang chờ đợi ở nhà.
Các MV khéo léo khai thác câu chuyện "đi và trở về" từ nhiều góc độ khác nhau, tạo ra sự kết nối cảm xúc sâu sắc và xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi, đầy cảm hứng.
Ông Thông cũng lưu ý, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thường đổ toàn bộ ngân sách marketing vào những chiến lược ngắn hạn như livestream, giảm giá hay khuyến mãi. Tuy nhiên, trước khi thực hiện những chiến lược này, họ cần tự đặt ra một số câu hỏi quan trọng.
Thứ nhất, sau khi tiêu tốn ngân sách cho các chiến dịch đó, liệu khách hàng có quay lại để tiếp tục mua hàng không. Thứ hai, liệu các khách hàng cũ có cảm thấy thất vọng hay bị "phản bội" khi thấy các chương trình giảm giá, mặc dù trước đây họ đã mua với giá cao hơn.
Thêm vào đó, cần cân nhắc xem liệu các chiến lược này có xung đột với các kênh khác trong hệ sinh thái hay không. Cuối cùng, các doanh nghiệp phải trả lời câu hỏi liệu các hoạt động marketing mang lại lợi ích ngắn hạn hay có thể tạo ra giá trị lâu dài cho thương hiệu.
Với ngân sách marketing hạn chế, Tập đoàn Thiên Long đã chứng tỏ rằng chất lượng nội dung quan trọng hơn số lượng. Một trong những chiến lược nổi bật của họ là duy trì chiến dịch "Tiếp sức mùa thi" trong suốt 20 năm qua.
Không phô trương, chiến dịch này âm thầm hỗ trợ các sĩ tử trong kỳ thi đại học bằng những hành động thiết thực như tặng bút, nước uống và thậm chí hỗ trợ chỗ ở cho thí sinh gặp khó khăn.
Thiên Long chỉ thực hiện một chiến dịch duy nhất mỗi năm, nhưng họ nghiên cứu kỹ lưỡng và tập trung vào thông điệp rõ ràng về sự đồng hành của thương hiệu với các sĩ tử khi mà hai thứ họ có thể mang vào phòng thi chỉ có sự tự tin và Thiên Long.
Tiếp sức mùa thi là một chiến dịch rất thành công của Thiên Long đã được triển khai suốt hai mươi năm qua
Một ví dụ khác là Nike. Sự thành công của họ không chỉ nhờ sản phẩm mà còn nhờ cách họ truyền tải thông điệp, xây dựng hình ảnh thương hiệu như một con người có cá tính và triết lý sống rõ ràng.
Với thông điệp "Just do it" (hãy bước tới), Nike đã khéo léo lồng ghép tính cách mạnh mẽ, thể hiện tinh thần không gì là không thể qua các chiến dịch thể thao, sử dụng hình ảnh các vận động viên đi lên từ con số 0 và vượt qua nghịch cảnh.
Thậm chí, trong đại dịch Covid, Nike đã phá vỡ mọi quy chuẩn khi khuyên "Just don’t do it", một thông điệp hoàn toàn trái ngược với triết lý của họ, nhưng lại rất phù hợp với tình hình thực tế lúc bấy giờ.
Điều này cho thấy Nike luôn hiểu rõ triết lý sống của mình và biết cách áp dụng vào các chiến lược truyền thông để tạo nên sự kết nối sâu sắc và phù hợp với thời cuộc.
Trong xu hướng truyền thông tiếp thị qua giải trí, nếu doanh nghiệp không tận dụng đúng yếu tố giải trí, họ sẽ gặp khó khăn khi người tiêu dùng ngày càng bỏ qua quảng cáo.
Việc "skip" quảng cáo đã trở thành thói quen, và trong tương lai, xu hướng người dùng chọn dịch vụ không có quảng cáo (subscribe) sẽ gia tăng. Họ chỉ quan tâm đến những gì họ thực sự yêu thích.
Vì vậy, việc sử dụng kênh tiếp thị giải trí sao cho phù hợp và duy trì sự liên kết với người tiêu dùng là vô cùng quan trọng.
Sự kết nối giữa thương hiệu và khách hàng là yếu tố quan trọng giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững. Khi thương hiệu đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ với khách hàng, việc những người có tầm ảnh hưởng (KOL) bán hàng sẽ trở nên thuận tiện hơn nhiều.
Nếu không có sự kết nối này, KOL chỉ có thể bán hàng dựa vào kỹ năng và niềm tin cá nhân của khách hàng đối với họ, chứ không liên quan đến giá trị thương hiệu hay sản phẩm mà họ đang quảng bá.
Quỳnh Chi /Nhà Quản trị