Chủ tịch Viettel đánh giá cao cơ chế thí điểm công nghệ mới, cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, mua các bí mật công nghệ của nước ngoài có trong Nghị quyết 57.
Ba đề xuất của Chủ tịch Viettel
Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" được Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng đánh giá là định hướng đột phá nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn của điểm nghẽn" làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ thời gian qua.
Ông Thắng đánh giá cao cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược,… trong phạm vi Nghị quyết 57.
Từ đây, lãnh đạo Viettel đề xuất ba nội dung. Một là, cần ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới, khi Nghị quyết 57 đã đề ra giải pháp "Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo".
"Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp", ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thắng đề xuất triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Viettel mong muốn Nhà nước sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ này để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng.
Đề xuất thứ ba của Chủ tịch Viettel là xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm "make in Vietnam". Bởi nội dung Nghị quyết 57 đã đề cập tới việc thúc đẩy sản xuất trong nước, với cơ chế khuyến khích mua sắm đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra.
Ông Thắng gọi đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Nhắc lại lời của Tổng Bí thư từng phát biểu: "Không một tập đoàn lớn nào không khởi nguồn từ doanh nghiệp nhỏ", lãnh đạo Viettel tin rằng, các nhà cung cấp thiết bị lớn cũng khởi đầu từ quy mô nhỏ và chi phí nghiên cứu, phát triển rất lớn.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước như Viettel đã sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà sản xuất lớn trên thế giới, tuy nhiên giá thành không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài do có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô và có những chính sách linh hoạt.
"Do vậy, chúng tôi đề xuất Nhà nước sớm ban hành cụ thể quy định khuyến khích mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ do doanh nghiệp trong nước sản xuất", ông Thắng khẳng định.
Chủ tịch tập đoàn Viettel, ông Tào Đức Thắng. Ảnh: D.N
Điểm tựa của Việt Nam
"Ngày xưa khi Archimedes nói, nếu cho tôi một điểm tựa tôi có thể bẩy cả thế giới. Tôi nghĩ Nghị quyết 57 là điểm tựa của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nhận định.
Theo ông Bình, đích đến của Nghị quyết 57 cũng chính là tầm nhìn của FPT từ những ngày đầu thành lập. Từ Đài Loan, Ấn Độ, Mỹ, cho đến Nhật Bản, lãnh đạo FPT đã phát hiện ra một điều quan trọng và có ý nghĩa đến tận ngày hôm nay, đó là nếu kỹ sư biết tiếng bản địa sẽ là một lợi thế rất lớn.
Dẫn chứng về thành công của FPT tại Nhật Bản, ông Bình cho rằng, kỹ sư FPT thạo tiếng Nhật sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp. Hầu hết công ty làm phần mềm nước ngoài tại Nhật Bản là các công ty Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam còn có cả một hiệp hội phần mềm tại Nhật Bản.
"Không dừng ở tiếng Nhật, chúng tôi mở sang tiếng Hàn. Tăng trưởng phần mềm tại Hàn Quốc có những năm lên đến 85%. Chúng tôi mở thêm tiếng Trung để tiếp cận thêm các công ty Đài Loan vì ngành bán dẫn nói tiếng Trung. Rồi chúng tôi học tiếng Đức, Pháp và các tiếng khác nữa. Đấy là điều đặc biệt của Việt Nam", ông Bình nói.
Theo Chủ tịch FPT, gần đây còn hai điều kiện khác để đảm bảo ngành công nghệ Việt liên tục tăng trưởng, là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hiện các tập đoàn đi trước đang giữ doanh số hàng chục tỷ USD trên thế giới vẫn là công nghệ thông tin. Nhờ đó, Việt Nam sẽ có đất diễn ở mảng chuyển đổi số.
Một điều kiện khác xuất phát từ mâu thuẫn địa chính trị. Khi các cường quốc rút ra khỏi Trung Quốc, công việc ấy sẽ chuyển giao cho Việt Nam. Bằng cách này, Việt Nam có thể rút ngắn con đường tích lũy các kiến thức, bí kíp về ngành, công nghệ.
"Bây giờ khi Việt Nam đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về công nghệ thông tin, chúng ta cần phải thay đổi. Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình gọi Nghị quyết 57 là điểm tựa của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh
Kinh nghiệm quốc tế
Cùng chia sẻ về kinh nghiệm phát triển ngành công nghệ số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc, ông Dohyun Kang cho biết, nước này đã thực hiện cùng lúc ba chiến lược gồm: đầu tư, bơm vốn và đổi mới sáng tạo.
Trong đó, chìa khóa thành công nằm ở việc tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy tự do hóa thị trường, nâng cao cạnh tranh công bằng và đầu tư sớm vào hạ tầng công nghệ.
Thời gian qua, Hàn Quốc đã khuyến khích năng lực quốc gia để chuẩn bị cho kỷ nguyên AI thông qua các nỗ lực ban hành liên tục các kế hoạch và chính sách.
Ví dụ, tháng 8/2022, Chính phủ nước này đề ra kế hoạch tổng thể đào tạo nguồn nhân lực số. Tháng 9/2022, công bố chiến lược số Hàn Quốc. Tới tháng 9/2023, thông qua đạo luật Quyền số, triển khai kế hoạch đưa AI vào đời sống hàng ngày.
Đại diện Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc nhận định, loài người đang trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) và đây là công nghệ thúc đẩy sự đổi mới nhanh nhất, rộng rãi nhất trong lịch sử. Chẳng hạn, đối với Hàn Quốc, ước tính sự tác động của AI với nền kinh tế của quốc gia này hàng năm sẽ vượt quá 200 tỷ USD từ nay đến năm 2026.
Tuy vậy, AI cũng tạo ra những thách thức và rủi ro nhất định như tấn công mạng, thông tin giả, lộ lọt thông tin cá nhân...
Ông Kang tin rằng, AI đang tạo ra cuộc đua toàn cầu về khả năng chiến ưu thế công nghệ. Theo đánh giá, Hàn Quốc đang nằm trong nhóm 3 quốc gia có khả năng cạnh tranh AI nhất thế giới. Tuy nhiên, Hàn Quốc không đặt mục tiêu trở thành quốc gia AI cạnh tranh, thay vào đó "sẽ phấn đấu trở thành quốc gia mẫu mực hợp tác với các đối tác toàn cầu để định hình tương lai số và cùng nhau chia sẻ các giá trị".
Việt Hưng /Nhà Quản trị