Điểm tin kinh tế-thị trường ngày 12/2: Giá vàng trong nước ổn định, thế giới xu hướng tăng; giá xăng dầu duy trì đà tăng từ tuần trước; xuất khẩu rau quả tăng.
Giá vàng trong nước ổn định, thế giới xu hướng tăng
Giá vàng thế giới rạng sáng nay 12/2 có xu hướng tăng, với vàng giao ngay tăng 1,7 USD lên 2.026,1 USD/ounce.
Giá vàng trong nước ổn định, thế giới xu hướng tăng
Còn ở trong nước, hiện tại, giá vàng miếng hương hiệu SJC niêm yết ở mức 76,7 triệu đồng/lượng mua vào và 78,92 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá xăng dầu duy trì đà tăng từ tuần trước
Giá xăng dầu hôm nay trên thị trường quốc tế duy trì đà tăng từ tuần trước. Tuần qua, giá dầu thế giới tăng tới hơn 6%, sau khi giảm sâu vào tuần trước đó.
Ở trong nước, hôm nay giá bán các loại xăng dầu vẫn được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 8/2 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu đều được điều chỉnh giảm. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 giảm mạnh, về mốc 23.000 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng E5 hạ xuống mức 22.120 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm về 23.260 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm còn 20.700 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hoả giảm xuống 20.580 đồng/lít.
Xuất khẩu rau quả tăng tốc
Tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Rau quả là ngành hàng có nhiều lợi thế.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long vẫn là những mặt hàng chiến lược của Việt Nam. Trong đó, sầu riêng được đánh giá là thế mạnh, khi có đến 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, để đón đầu cho các sản phẩm sẽ được kí Nghị định thư như chanh dây, dừa và sầu riêng đông lạnh, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị.
Hơn 30% vốn đầu tư công cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể với quyết tâm giải ngân được 50% số vốn 79.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Nhiệm vụ trước tiên được TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy là công tác giải phóng mặt bằng. Đây là công tác đã ảnh hưởng không nhỏ đến giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Trong kế hoạch vốn 2024, hơn 30% vốn là bố trí cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng cho dự án xây dựng. Do đó, đây cũng là một vấn đề mà thành phố cần tập trung quan tâm.
Dệt may Việt Nam đối diện không ít khó khăn trong năm 2024
Ngành dệt may Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục đối diện với hàng loạt khó khăn, chịu tác động bởi kinh tế thế giới và trong nước dẫn đến nhu cầu sản phẩm giảm. Bên cạnh đó là hàng loạt các chi phí đầu vào tăng như giá điện, giá cước vận tải, lương tối thiểu cùng các quy định mới từ thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2023.
Thanh Tâm /Báo Công Thương