Giá lúa gạo hôm nay 20/11/2024: Thị trường trong nước giá gạo thơm tăng nhẹ so với hôm qua. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao, củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu.
Giá lúa gạo trong nước
Giá lúa gạo hôm nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nguồn cung ít, các nông dân chào bán lúa với giá cao. Các kho và chợ đều mua gạo thơm với giá tăng nhẹ.
Thị trường gạo nguyên liệu và thành phẩm cũng ghi nhận sự tăng nhẹ về giá so với hôm qua, giao dịch ổn định. Cụ thể, gạo IR 504 Hè thu tăng 50 đồng/kg, lên mức 10.400 - 10.500 đồng/kg, trong khi gạo thành phẩm IR 504 tăng nhẹ lên 12.400 - 12.550 đồng/kg.
Tại các địa phương, nguồn gạo về ít và giá có sự nhích nhẹ so với hôm qua. Gạo thơm vẫn được mua nhiều, trong khi gạo ngang giao dịch chậm hơn. Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), gạo thơm và dẻo ít, gạo ngang có nguồn cung ít. Tại Lấp Vò - Vàm Cống (Đồng Tháp), nguồn gạo về ít, chất lượng trung bình và khá, nhu cầu mua gạo OM 5451 và gạo Thơm tăng.
Ở An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), nguồn gạo về ít, giá nhích nhẹ, chủ yếu là gạo chất lượng thấp, ít gạo đẹp.
Tại các chợ lẻ, giá gạo ổn định quanh mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Một số loại gạo thơm có giá cao hơn, như gạo Nàng Nhen 28.000 đồng/kg, gạo Jasmine 17.000 - 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg, gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg, và gạo Nhật 22.500 đồng/kg.
Về lúa, giá lúa IR 50404 tăng 100 đồng/kg, lên mức 7.500 - 7.600 đồng/kg, trong khi các loại lúa khác dao động ở mức 6.800 - 8.600 đồng/kg tùy loại.
Với các phụ phẩm, giá dao động từ 6.000 - 9.400 đồng/kg. Giá tấm OM 5451 tăng nhẹ lên 9.300 - 9.400 đồng/kg, trong khi cám khô có giá từ 6.000 - 6.100 đồng/kg.
Giá nếp cũng có sự điều chỉnh: Nếp IR 4625 (tươi) tăng 200 đồng/kg, đạt 7.900 – 8.100 đồng/kg, còn nếp Long An 3 tháng khô ổn định ở mức 9.800 – 10.000 đồng/kg.
Giá gạo thế giới
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo Việt Nam duy trì ổn định. Cụ thể, gạo 100% tấm có giá 423 USD/tấn, gạo tiêu chuẩn 5% là 518 USD/tấn, và gạo 25% tấm là 488 USD/tấn.
Ông Poonpong Naiyanapakorn, Giám đốc Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại (TPSO) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, nhấn mạnh rằng ngành nông nghiệp Thái Lan cần khẩn trương thích nghi với những thách thức từ biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái Lan đang đối mặt với áp lực phải giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động nông nghiệp. Theo thống kê, ngành nông nghiệp chiếm 15,23% tổng lượng khí thải nhà kính của Thái Lan, chỉ đứng sau ngành năng lượng (69,96%).
Ông Naiyanapakorn chia sẻ: "Trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp." Cụ thể, hoạt động trồng lúa chiếm hơn 50% tổng lượng khí thải từ nông nghiệp, tương đương 50,58%.
Do đó, ông kêu gọi: "Thái Lan cần đẩy mạnh sản xuất lúa ‘carbon thấp’ bằng cách áp dụng các phương pháp và công nghệ mới để giảm khí thải, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quan tâm đến môi trường và tiếp cận các thị trường cao cấp."
Trong thời gian qua, Thái Lan đã triển khai các sáng kiến hướng đến mục tiêu này, tiêu biểu là dự án Thai Rice NAMA (từ tháng 8/2018 đến tháng 7/2024), được thực hiện với sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).
Tuy nhiên, Thái Lan thừa nhận đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, một quốc gia cũng đang tích cực phát triển sản xuất lúa "carbon thấp".
Việt Nam được xem có nhiều lợi thế như sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, chi phí sản xuất thấp, và các chính sách quốc gia hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với những ưu điểm này, Việt Nam đang được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh trong việc tiếp cận các thị trường quan tâm đến môi trường, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), nơi Việt Nam đang hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Quốc Duẩn /Báo Nghệ An