Tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro.
Chủ động ứng phó để phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế
Hiện nay, nhiều thủ đoạn lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế tinh vi dễ dẫn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam "sập bẫy". Theo kết quả ghi nhận trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo, với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro.

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nhiều trải nghiệm trong hoạt động xuất khẩu
Thông tin tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 11/2023 với chủ đề Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nhiều trải nghiệm trong hoạt động xuất khẩu, song đa số doanh nghiệp của Việt Nam quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của các nước nhập khẩu, chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.
Ông Vũ Chiến Thắng – Tham tán thương mại, Thương vụ Tây Ban Nha cho biết, Thương vụ đã xử lý 7 vụ việc liên quan đến xuất khẩu điều, tiêu đen, gang đúc. Qua xem xét hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại, ông Thắng cho biết có một số rủi ro nổi lên.

Nhiều doanh nghiệp Việt sập bẫy gian lận thương mại, lừa đảo
Hay theo bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin, hiện nay, có rất nhiều hình thức lừa đảo thương mại quốc tế tại Canada. Có trường hợp đối tượng nhập cư nước ngoài tiếp cận hồ sơ của các doanh nghiệp lớn của nước sở tại, sau đó chủ động tiếp cận với doanh nghiệp Việt Nam để gửi tin nhắn, email có đuôi gmail hoặc yahoo đề nghị ký đơn hàng giá trị lớn và sẵn sàng cung cấp tất cả giấy tờ nếu doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu.
Trước tình hình các hình thức lừa đảo thương mại quốc tế đang gia tăng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.
Thực hiện: Thu Trang – Bùi Hùng
Công Thương Media /Báo Công Thương