Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin...Ảnh nguồn - IT
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines).
Bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào kinh tế quốc tế, cùng sự phát triển của đầu tư công và việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics đến năm 2025, trong thời gian qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực và khả quan.
Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất Việt Nam trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước. 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 648 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm.
Có được kết quả nêu trên, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng đa chiều với tác động trực tiếp và gián tiếp của ngành dịch vụ logistics vào kim ngạch xuất nhập khẩu. Logistics chính là “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân và chủ thể của nó là hàng hóa. Đây là một nhân tố vô cùng quan trọng trong hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu.
“Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi khẳng định và tin tưởng, Việt Nam đã, đang và sẽ có rất nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị logistics cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, với hệ thống giao thông hiện nay đã được trải dài và rộng khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó, bao gồm cả 5 hệ thống giao thông (đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa, đường biển). Các hạ tầng logistics bao gồm kho bãi, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng về quy mô. Các dịch vụ đi kèm của các doanh nghiệp logistics hiện nay đã, đang thích nghi rất kịp thời và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, bà Nguyễn Thị Mai Linh tin tưởng.
Ở góc độ Chính phủ, trong giai đoạn 2022 - 2024, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được đầu tư vào các dự án quan trọng, dự án trọng điểm và một phần không nhỏ trong số này đã được đưa vào hệ thống hạ tầng giao thông. Đây là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế cũng như huyết mạch của ngành dịch vụ logistics.
Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi có thể tạo đà cho sự phát triển của lĩnh vực logistics, trong đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ là nhân tố vô cùng chiến lược để có thể đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế nói chung, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Đồng thời, với sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là động lực cho sự phát triển ngành dịch vụ logistic. Đặc biệt là logistics thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics như: Nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường mới nổi thứ tám có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, là trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.
Bùi Quốc Dũng /Kinh tế và Đồ uống