Thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang EU tận dụng cơ hội từ EVFTA: Kinh nghiệm từ địa phương

00:23 | 29/09/2022
Hiệp định EVFTA tạo cơ rất lớn cho hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào EU - một thị trường tiềm năng với gần 500 triệu dân và đóng góp trên 20% GDP thế giới.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là hiệp định thương mại toàn diện và mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á như Việt Nam. Hiệp định được ký kết vào ngày 30/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Tuy nhiên, trước khi đi đến buổi lễ ký kết chính thức, chúng ta phải trải qua một hành trình dài, bắt đầu từ năm 2010 để đàm phán và chinh phục. Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo.

Hiệp định là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và 28 nước châu Âu, hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ EU thâm nhập vào thị trường nước nhà. Theo Hiệp định có tới 94% của 540 dòng thuế trái cây, rau quả từ Việt Nam vào thị trường EU đã về 0 ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây là cơ hội rất lớn cho hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào EU - một thị trường tiềm năng với gần 500 triệu dân và đóng góp trên 20% GDP thế giới.

Huyện Thanh Hà nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hải Dương. Phía Đông và phía Bắc giáp huyện Kim Thành, phía đông nam giáp huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Tứ Kỳ, phía Tây Bắc giáp thành phố Hải Dương, phía Nam giáp huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng. Huyện có diện tích tự nhiên là 140,70 km2, dân số 142.864 người. Tính chất đất đai cũng như địa hình của huyện mang đặc tính địa hình của đất phù sa sông Thái Bình.

Khí hậu nhiệt đới gió mùa, hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện với lợi thế, thế mạnh phát triển cây ăn quả với các loại cây chủ lực như cây vải, cây ổi, cây bưởi, đặc biệt là cây vải, huyện hiện có trên 3.500 ha vải; năm 2022 sản lượng đạt 44 nghìn tấn, giá trị đạt khoảng 1.360 tỷ. Sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường: Nhật, Singapore, Australia, Mỹ, EU đạt hơn 2 nghìn tấn.

Để có được sản lượng, giá trị lớn như ngày nay, quả vải Thanh Hà đã có những thời gian thăng trầm. Từ xa xưa vải thiều Thanh Hà đã làm sản phẩm tiến vua. Những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, vải thiều vẫn còn là cây ăn quả chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Tuy nhiên, đầu những năm 2000 cùng với sự phát triển của nhiều loại cây ăn quả khác, nhất là việc phát triển diện tích trồng vải tại tỉnh Bắc Giang làm cho vải thiều Thanh Hà đã bị mất giá trị về thương hiệu cũng như kinh tế. Người nông dân không còn mặn mà với cây vải. Nhiều diện tích vải bị chặt hạ thay thế bằng các cây trồng khác như ổi, bưởi, quất, chuối.

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Thanh Hà, thương hiệu vải thiều Thanh Hà đã dần lấy lại vị thế. Qua các hội nghị xúc tiến thương mại, các hội chợ, qua công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đặc biệt qua sự thay đổi trong chính tư duy sản xuất của người nông dân.

Vải thiều Thanh Hà lấy lại vị thế đúng vào thời điểm EVFTA được ký kết và có hiệu lực. Đây là cơ hội lớn cho quả vải thiều Thanh Hà cũng như các mặt hàng nông sản Việt Nam xâm nhập vào thị trường EU. Thời cơ là vậy nhưng thách thức cũng không nhỏ dù thuế giảm xuống nhưng các yêu cầu về chất lượng của EU rất cao. Do đó, để xuất khẩu trái cây thành công và bền vững vào các thị trường nói chung và thị trường EU nói riêng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, tuân thủ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, huyện Thanh Hà đã xác định một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: Phát triển vùng cây ăn quả sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với du lịch sinh thái, xuất khẩu, công nghiệp chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Giai đoạn vừa qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Thanh Hà được tiêu thụ thuận lợi, tạo giá trị kinh tế cao, đặc biệt vụ vải Thiều năm 2022 thành công nhất trong 10 năm trở lại đây cả về số lượng, chất lượng, giá trị kinh tế, thị trường tiêu thụ thuận lợi và theo đường chính ngạch.

Kết quả là như vậy, nhưng chúng tôi cũng luôn trăn trở làm sao duy trì bền vững, làm sao để người dân tuân thủ theo các quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao các thị trường khó tính. Từ thực tế, xin được rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là: Vai trò của nhà nước trong việc quy hoạch, định hướng và quản lý sản xuất đặc biệt quan trọng. Để có sản phẩm tốt, yêu cầu đặt ra phải có các vùng sản xuất tập trung, áp dụng cùng một quy trình chăm sóc, thu hoạch. Chất lượng quả vải sẽ không thể đảm bảo nếu mỗi nhà, mỗi vườn canh tác một kiểu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Hà có 85 vùng chuyên canh sản xuất vải với diện tích 969 ha. Để có được những vùng sản tập trung, chuyên canh hàng hoá để xuất khẩu UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, khoanh vùng phát triển tập trung, chuyên canh, tạo ra sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay chúng tôi có 51 vùng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; từ 51 vùng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chúng tôi đã đăng ký và được cấp 128 mã số vùng trồng để xuất khẩu vải.

Để thuận tiện, thống nhất việc chăm sóc vải xuất khẩu, huyện Thanh Hà đã phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quy trình sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ tỉa cành sau thu hoạch, bón phân, xử lý lộc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch.... Đây được coi là cẩm nang đối với người trồng vải xuất khẩu. Họ thuộc lòng từng bước, từng quy trình áp dụng. Nhờ áp dụng đúng quy trình, kế hợp với thổ nhưỡng đất và khí hậu nên vải VietGAP Thanh Hà luôn được đánh giá rất cao về chất lượng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên để vải xuất khẩu.

Hai là: Tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu nói chung và quả vải Thanh Hà nói riêng; yêu cầu này khó nhất trong việc sản xuất vải tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì tập quán canh tác, sản xuất của người nông dân từ xa xưa tới nay không theo quy trình khoa học nào cả, hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm.

Đặc biệt là người nông dân thường không nhìn thấy lợi ích lâu dài mà chỉ nhìn thấy cái được trước mắt, nên rất khó để thay đổi tư duy, thay đổi cách làm của người trồng vải. Tuy nhiên, cách làm của Thanh Hà là thành lập các tổ sản xuất (đến nay huyện đã thành lập được 51 tổ) trong đó có tổ trưởng, tổ phó; đây là cánh tay nối dài của cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn, giám sát quy trình sản xuất của các tổ viên.

Chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được quy định; trước khi thu hoạch vải từ 10 đến 15 ngày phải chấm dứt phun, xịt thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng. Thời gian đầu triển khai cũng gặp nhiều khó khăn do sự không hợp tác của người dân, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân tham gia vào các tổ sản xuất đã nhận thấy lợi ích từ việc tham gia tổ sản xuất nên đã tự giác chấp hành và tuân thủ quy trình sản xuất theo quy định.

Ba là: Nội dung quan trọng trong việc đảm bảo vải thiều Thanh Hà đủ điều kiện để xuất khẩu đó là gắn QR-Code. Điều này thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của quả vải. Nếu quả vải được trồng, được chăm sóc, thu hoạch theo đúng quy trình Vietgap, Globgap nhưng không được gắn QR-Code để chứng minh đây đúng là sản phẩm đó thì quả vải coi như không đạt yêu cầu để xuất khẩu sang EU.

Vì vậy nội dung thứ 3 rất quan trọng đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc gắn tem và đặc biệt là trong việc quản lý tem vì sẽ có hiện tượng tem tuy xuất nguồn gốc được gắn cho những quả vải không được sản xuất theo quy trình. Hiện tại, tất cả mã vùng trồng vải xuất khẩu của Thanh Hà đã được cấp QR-Code để truy xuất nguồn gốc.

Bốn là: Vai trò tiêu thụ của các doanh nghiệp. Quả vải làm ra đúng theo quy trình sản xuất, được gắn QR-Code để truy xuất nguồn gốc nhưng ai sẽ là người mang nó đến tay người dùng. Đó là vai trò của các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, huyện đã rất tích cực mời gọi và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu hàng nông sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có công ty Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đang tích cực hoạt động và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người nông dân. Đặc biệt các doanh nghiệp này đã trực tiếp thành lập các HTX sản xuất vải mà thành viên của HTX chính là những người dân có vải, doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, giám sát quy trình chăm sóc và trực tiếp thu mua, sơ chế để tiêu thụ vào các thị trường.

Năm là, mặc dù là huyện có nguồn thu đạt thấp nhưng hàng năm huyện đều có cơ chế hỗ trợ bà con phục vụ sản xuất như hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, thuê chuyên gia giám sát, lấy mẫu kiểm định để đề nghị cấp chứng nhận các vùng đạt tiêu chuẩn; quản lý tem, bao bì nhãn mác để giữ thương hiệu, mời gọi các doanh nghiệp đến địa phương phối hợp tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được ví như “Miền Tây thu nhỏ”, được bao bọc bởi các con sông, phù sa bồi đắp tạo thành các vùng sản xuất cây trái tập trung theo vùng: Vùng sản xuất vải, vùng ổi, vùng bưởi, chuối, chanh, quất..., sông nước cảnh đẹp hữu tình, nhiều di tích lịch sử được công nhận cấp Quốc gia, cấp tỉnh; có nhiều đặc sản như rươi, cáy, cà ra..., tạo nên một vùng quê bình yên đang phát triển. Để người dân ổn định sản xuất và tận dụng được cơ hội đặt ra từ Hiệp định EVFTA rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của các nhà khoa học và doanh nghiệp.

TS. Hoàng Thị Thúy Hà - UBND Huyện Thanh Hà, Hải Dương

Nguồn Chất lượng Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Trong tháng 3/2024 xuất khẩu ớt của Việt Nam đạt 1.523 tấn với trị giá 4,2 triệu USD, tăng mạnh 72,3% so với tháng 2/2024.Trung Quốc chiếm gần 88% sản..
00:21 | 19/04/2024
Xây dựng thương hiệu nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu: Tầm nhìn chiến lược và những giải pháp căn cơ : Cà phê Colombia, THAI’S RICE;… là những thương h..
10:07 | 18/04/2024
Xây dựng thương hiệu nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu: Tầm nhìn chiến lược và những giải pháp căn cơ - Xây dựng thương hiệu nông sản có 3 cấp độ gồm: do..
08:48 | 17/04/2024
Xây dựng thương hiệu nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu: Tầm nhìn chiến lược và những giải pháp căn cơ - Dù Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu nằm trong ..
08:44 | 17/04/2024
Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024, chiếm 53,4% tổng lượng và chiếm 54,3% tổng kim ngạch nhập khẩu ngô..
08:38 | 16/04/2024
Giá cà phê Robusta nhân xô cuối tuần trước lại lập kỷ lục mới. Hơn 3 tháng, giá Robusta đã tăng gần 50% so với hồi cuối năm 2023, Arabica tăng xấp xỉ ..
08:35 | 16/04/2024
Chỉ số ổn định chuỗi cung ứng từ Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng (ASCM) và KPMG - một tổ chức chuyên nghiệp về kinh tế tài chính, kế toán đa quốc gia ..
09:55 | 15/04/2024
Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc trong những năm qua đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đưa Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn t..
09:49 | 15/04/2024
2 nhóm hàng xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng trưởng 3 con số; XK sắn thu về về hơn 142 triệu USD là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu tuần từ ..
09:08 | 15/04/2024
Thị trường xuất nhập khẩu ngày càng cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rào cản, trong đó có các rào cản về phòng vệ thương ..
00:27 | 14/04/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06/ 5/2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com *0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
VPHN Trưởng Ban Thời sự Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG - KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920
Tra cứu  | 
Đường Dây nóng: 09 05 08 2014
 

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up