Xuất khẩu gạo: Thị trường thuận lợi nhưng thiếu vốn

07:41 | 25/05/2023
Thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi khi đơn hàng, giá bán đều tăng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo rơi vào tình trạng ''đói'' vốn.

Xuất khẩu thuận lợi

Bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2023 có nhiều điểm sáng khi đơn hàng cũng như giá bán đều tăng mạnh. Mới đây, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu lô hàng chất lượng cao trên 2.000 tấn qua thị trường Trung Quốc. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho biết, sau nhiều tháng chững lại, hiện Trung Quốc và nhiều thị trường đang tăng cường mua gạo của Việt Nam.

“Sau đơn hàng này, công ty tiếp tục đàm phán tiếp lô hàng khoảng 20.000 tấn sang Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines, Indonesia, Malaysia và các nước Trung Đông cũng đang có tín hiệu muốn nhập hàng”, ông Phạm Thái Bình cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết nhờ việc các quốc gia tăng dự trữ lương thực, doanh nghiệp đang có khá nhiều đơn hàng với cả đối tác cũ và mới. Tuy nhiên Phước Thành chủ yếu giao hàng cho các khách truyền thống, khách mới sẽ hạn chế hơn vì thời điểm chính vụ Đông Xuân này, lượng hàng dồi dào, giá xuất khẩu sẽ không cao như kỳ vọng.

“Chúng tôi đã tạm trữ trong kho khoảng 15.000 – 18.000 tấn gạo, chờ đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi vào vụ Hè Thu, chúng tôi sẽ bán ra với giá tốt hơn. Động thái gom hàng này dựa trên tình hình nhu cầu của các thị trường, đơn hàng tương lai và khả năng kiểm soát rủi ro giá cả, chi phí…”, ông Thành nói.

Thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi trong những tháng đầu năm 2023

Số liệu thống kê từ Tổng Cục hải quan cho thấy, tính đến ngày 15/5, xuất khẩu gạo cả nước đạt gần 3,3 triệu tấn, thu về hơn 1,7 tỷ USD, tăng 37,4% về lượng và 48,4 % về giá trị.

Ông Trần Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định, nhìn chung hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý II/2023 rất thuận lợi, bởi nhu cầu dự trữ lương thực vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

“Hiện tại trong quý 2, hợp đồng với các doanh nghiệp đã ký cũng đã đầy đủ. Nhận định cho xuất khẩu trong quý 2 và trong cả năm 2023 đang rất thuận lợi”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhìn nhận.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo ra thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Mặt khác, gạo Việt Nam cũng có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào một số thị trường lớn. Đơn cử như châu Phi với mức tiêu thụ hàng năm lên đến 42 triệu tấn nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được sang 2,43 triệu tấn, hay thị trường EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80 nghìn tấn miễn thuế 175 Euro/tấn…

Doanh nghiệp lo thiếu vốn

Mặc dù thị trường xuất khẩu đang có nhiều thuận lợi, song hiện nay các doanh nghiệp lại đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để thu mua nguyên liệu. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An bày tỏ lo lắng về nguồn tín dụng để thu mua lúa trong vụ Hè Thu sắp tới.

Theo ông Bình, đơn vị có chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo với các hợp tác xã, cái khó nhất hiện nay là khi vào mùa vụ thu mua lúa cần một lượng tiền lớn. Với lượng lúa thu mua khi vào vụ khoảng 1 - 2 tấn/ngày, doanh nghiệp sẽ cần khoảng vài tỷ đồng. Trong khi đó, thời gian sắp tới vụ hè Thu sẽ bước vào thu hoạch rộ. Do đó, doanh nghiệp cần nguồn vốn rất lớn để thu mua lúa cho nông dân. Chính vì vậy, kênh tài trợ của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết là rất cần thiết.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại về nguồn vốn để thu mua lúa cho người dân trong vụ hè thu

Cùng chung nỗi trăn trở, ông Nguyễn Văn Nhựt - Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhựt so sánh, tình hình doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo giống như “cơm dọn sẵn lên bàn mà không được ăn” bởi không có tiền.

“Thu mua 10 nghìn tấn gạo cần khoảng 150 - 200 tỷ đồng, vậy nếu thu mua 1 triệu tấn thì làm sao đủ tiền”, ông Nhựt bày tỏ. Đồng thời đề xuất cần ban hành chính sách cho doanh nghiệp được tín chấp hoàn toàn khi đến vụ thu hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, vốn tín dụng hiện là vấn đề đang được các thương nhân xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm nhất hiện nay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, tại những thời điểm thu hoạch chính vụ (tháng 2,3,4,7,8,10 hàng năm), công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc duy trì mức dự trữ lưu thông 5% theo quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP cũng gây áp lực khá lớn lên các thương nhân xuất khẩu gạo.

Trước tình hình khó khăn như trên, ông Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi, chính sách đặc thù hỗ trợ về vốn cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm tạo điều kiện cho thương nhân có thêm nguồn lực tài chính để thu mua tạm trữ, góp phần ổn định giá lúa đầu ra cho bà con nông dân trong thời gian thu hoạch chính vụ, đồng thời góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, cần tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ đồng thời tiếp tục hướng dẫn các thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp một cách hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ các thương nhân thu mua tạm trữ kịp thời, ổn định sản xuất.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng cần có phương án ổn định lãi suất trong những kỳ hạn nhất định hoặc có chính sách điều tiết riêng đối với các doanh nghiệp thuộc mảng nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gạo nói riêng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và bền vững.

Hà Duyên

Nguồn Báo Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Đoàn 24 doanh nghiệp đang tham gia quảng bá sản phẩm tại Triển lãm thực phẩm quốc tế Seoul 2023 do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức.
06:53 | 31/05/2023
5 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước.
00:13 | 30/05/2023
Thay vì cuối tháng 5 này như dự kiến, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác IUU vào thán..
09:55 | 29/05/2023
Khó khăn về thị trường khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra sụt giảm 41% trong 4 tháng đầu năm, chỉ đạt gần 570 triệu USD.
09:41 | 28/05/2023
(Dân sinh) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Vi..
08:00 | 27/05/2023
Trong khi xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chính đều sụt giảm thì cá khô, cá đóng hộp lại tăng trưởng mạnh và mang về hàng chục triệu USD.
11:31 | 26/05/2023
Số lượng trái cây, nông sản Thái Lan được xuất chính ngạch sang Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam. Nông sản, trái cây Việt có thua Thái Lan tại thị trường..
10:19 | 24/05/2023
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,6 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, Mỹ không còn là th..
10:07 | 23/05/2023
Trong các năm gần đây, xuất khẩu nông lâm thủy sản chịu tác động ‘‘rung lắc’’ của thị trường. Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả, kị..
01:01 | 22/05/2023
Ngày 19 tháng 5 năm 2023, Bộ Công Thương ban hành Công văn số 3028/BCT-XNK của Bộ Công Thương về xét chọn ‘‘Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín’’ năm 2022.
00:48 | 21/05/2023

 

​Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06/ 5/2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com *0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng  

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196
Liên hệ số đường dây nóng * 0905082014

THỜI SỰ  - PHÁP LUẬT & THỊ TRƯỜNG
VP Đồng Nai 137/ N4 KDCTM Phước Thái
Long Khánh, P. Tam Phước - TP. Biên Hoà
TB Pháp Luật /  TVP. Nguyễn Duy Khương

 Chung nhan Tin Nhiem Mang

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up