Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP dịp Tết và lễ hội Xuân năm 2025 tại quận Tây Hồ và Ba Đình. Theo đó, Đoàn đã tạm dừng hoạt động 2 cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh và bánh Jambon Thanh Hương do có nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, Đoàn đã kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Hương – cơ sở chế biến sản xuất bánh jambon (số 50 An Dương, quận Tây Hồ), tại thời điểm kiểm tra có 13 nhân công lao động sản xuất.
Tuy nhiên, cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và hợp đồng, hồ sơ chứng minh nguồn gốc của hạt điều, ruốc thịt.
Kiểm tra phát hiện khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt; tường trần nền khu vực sản xuất xuống cấp. Khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên. Qua kiểm tra cơ sở không có bàn để đóng gói thành phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, sản phẩm đang được đóng gói trên mặt sàn. Khu vực cửa sổ không có lưới chống côn trùng, bám nhiều bụi bẩn; có gián trong khu vực sản xuất; thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên đối với trang thiết bị dụng cụ.
Khu vực kho thành phẩm thiếu giá kệ, thiếu chế độ vệ sinh tại kho. Nhân viên không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm. Đặc biệt, thông tin ghi nhãn sản phẩm chưa phù hợp với bản tự công bố sản phẩm (thiếu định lượng ruốc thịt, số tự công bố không đúng thực tế, địa chỉ sản xuất có thêm địa chỉ ở Thường Tín…).
Qua kiểm tra, Đoàn yêu cầu Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Hương – cơ sở chế biến sản xuất bánh jambon tạm dừng hoạt động.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội yêu cầu cơ sở cần phải chuẩn hóa lại hồ sơ pháp lý, công nhân và quy trình sản xuất, nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu. Nếu cơ sở tiếp tục tham gia sản xuất, phải đảm bảo ATTP cũng như chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, Đoàn cũng giao Ban chỉ đạo ATTP quận Tây Hồ giám sát việc cơ sở tự khắc phục những tồn tại nêu trên. Ngoài ra, quận Tây Hồ tiếp tục kiểm tra nhiều cơ sở tiếp theo để lãnh đạo quận nhìn lại bức tranh ATTP, nhất là các cơ sở sản xuất tung ra thị trường sản phẩm dịp Tết.
Tại quận Ba Đình, Đoàn cũng tiến hành kiểm tra đột xuất thực tế tại cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, Ba Đình). Theo ghi nhận cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở và 5 người lao động.
Cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Cơ sở sản xuất Nguyên Ninh có nhiều lỗi vi phạm an toàn thực phẩm
Về điều kiện vệ sinh thực tế, khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt mà lại chung với khu vực sinh hoạt của gia đình; không có khu vực đóng gói, dán nhãn sản phẩm. Tường trần nền khu vực sản xuất ẩm mốc, rạn nứt, bong tróc, xuống cấp toàn bộ. Cống rãnh hở, ứ đọng nước rác; có 1 nhà vệ sinh trong khu vực sản xuất. Quần áo, tư trang phơi giặt trong khu vực sản xuất.
Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở không có dụng cụ sơ chế, sản xuất chuyên dụng; thiếu dụng cụ phòng chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng và động vật gây hại trong khu sản xuất; thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên đối với trang thiết bị dụng cụ.
Cơ sở không có khu vực bảo quản riêng bao bì, nguyên liệu và thành phẩm; khu vực bảo quản không có giá kệ, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên. Nhân viên trực tiếp sản xuất thực phẩm không có trang phục bảo hộ riêng. Thông tin ghi nhãn sản phẩm chưa phù hợp với bản tự công bố sản phẩm, chưa phù hợp quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Qua kiểm tra, Đoàn yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, Ba Đình) và giao Ban chỉ đạo ATTP quận Ba Đình tiếp tục giám sát việc cơ sở tự khắc phục tồn tại nêu trên. Bên cạnh đó, quận tiếp tục xử lý vi phạm và báo cáo kết quả kiểm tra với đoàn kiểm tra liên ngành.
Theo ông Đặng Thanh Phong, năm nay, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, các đoàn kiểm tra không báo trước, không để quận, huyện chọn cơ sở đi kiểm tra. Sau kiểm tra, đoàn báo cáo lại với lãnh đạo TP để TP nắm được và tiếp tục chỉ đạo.
Ông Phong nhấn mạnh, với cơ sở Đoàn đến kiểm tra nhưng thông báo đóng cửa không tiếp đoàn, cho công nhân nghỉ, đề nghị Phòng Y tế quận Tây Hồ kiểm tra lại (kiểm tra đột xuất), nếu cơ sở có lỗi vi phạm, xử lý thật nặng. Đến khi cơ sở khắc phục được các nội dung, Ban Chỉ đạo quận xuống kiểm tra thực tế đúng với báo cáo, sẽ cho hoạt động trở lại. Còn cơ sở chưa khắc phục được tồn tại vẫn tiếp tục dừng hoạt động.
Theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mức xử phạt đối với hành vi sản xuất bánh không đạt tiêu chuẩn có thể lên đến 200 triệu đồng. Cụ thể:
Phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất bánh không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đây là mức xử phạt cơ bản dành cho các trường hợp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng nhưng chưa gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.
Phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng nếu bánh không đạt tiêu chuẩn gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, như gây ngộ độc hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng; Phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng đối với hành vi sản xuất bánh chứa các chất cấm, chất bảo quản vượt mức cho phép hoặc vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm:
Thu hồi sản phẩm vi phạm và tiêu hủy nếu sản phẩm không thể cải thiện để đạt tiêu chuẩn an toàn.
Tạm ngừng hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cho đến khi các vấn đề vi phạm được khắc phục hoàn toàn.
Yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, bao gồm chi phí khám chữa bệnh và các chi phí liên quan khác do sử dụng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Trong trường hợp vi phạm gây thiệt hại lớn, có tính chất lừa dối hoặc cố ý làm trái quy định, doanh nghiệp và cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
An Nguyên /Chất lượng Việt Nam