Chuyển đổi số và ESG là hai chiến lược song hành, tạo ra cả lực kéo và lực đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Ứng dụng chuyển đổi số giúp tối ưu chi phí và tạo ra dữ liệu, là tiền đề thực hành ESG. Ảnh: Hoàng Anh
Hướng đến mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 là một trong những định hướng được nhiều doanh nghiệp hướng đến trong chiến lược chữ E (môi trường) của ESG.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, FPT Digital, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc thực hành giảm phát thải. Cụ thể, thay vì báo cáo một đến hai lần mỗi năm, doanh nghiệp có thể ứng dụng chuyển đổi số để kiểm tra, theo dõi theo thời gian thực để điều chỉnh ngay khi cần thiết.
Tương tự, chuyển đổi số giúp quản trị (trụ cột G) trở lên linh hoạt hơn, cũng như tăng tính kết nối nội bộ để đảm bảo yếu tố xã hội (trụ cột S).
“Ở FPT, chúng tôi có khoảng 80 nghìn nhân viên trên 30 quốc gia, nếu không có chuyển đổi số thì không thể quản trị được”, ông Tuấn Anh lấy ví dụ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, FPT Digital tại tọa đàm "Thực thi ESG hướng đến phát triển bền vững - Nếm vị ngọt chuyển đổi số" do Báo Dân trí tổ chức. Ảnh: Dân Trí
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thế Hoàng Anh, Phó trưởng phòng công nghệ thông tin, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), đánh giá, áp dụng chuyển đổi số vào quản trị và vận hành doanh nghiệp vừa hiệu quả, vừa có độ tin cậy cao bởi “không có quan điểm cá nhân trong đó”.
Chuyển đổi số cần đi trước?
Trên góc độ doanh nghiệp, khi đưa ra quyết định đầu tư luôn phải tính toán đến tiềm năng lợi nhuận. Do đó, theo ông Tuấn Anh, doanh nghiệp muốn cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh cần phải thực hành chuyển đổi số trước để tối ưu chi phí.
Phần chi phí được tối ưu có thể sẽ là nguồn lực quan trọng giúp doanh nghiệp đầu tư, triển khai những giải pháp thực hành ESG. Ngoài ra, ngay từ khi tiết kiệm được nguồn lực, chống lãng phí, doanh nghiệp đã thực hành được phần nào phát triển bền vững trên tiêu chuẩn ESG, thông qua tiết kiệm tài nguyên, tăng hiệu quả quản trị.
Còn từ góc nhìn của ông Thế Anh, chuyển đổi số không phải là câu chuyện mới mà đã được nhắc đến từ nhiều năm nay. Thực tế đã chỉ ra, ngay từ những năm 2000, một số doanh nghiệp nhỏ đã vươn lên trở thành ông lớn tỷ đô nhờ chuyển đổi số, trong khi không ít doanh nghiệp chậm chân đã phải ngậm ngùi “bỏ cuộc chơi”.
Do đó, ông Thế Anh nhận định, chuyển đổi số là câu chuyện “cá nhanh nuốt cá chậm”, triển khai sớm thì chớp được cơ hội, chậm chân thì sẽ gặp khó khăn.
Tác động của chuyển đổi số đến ESG không chỉ nằm ở chi phí mà còn ở dữ liệu. Triển khai chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp có đầu vào dữ liệu chất lượng để tiến hành đánh giá, phân tích, qua đó lên phương án thực hành ESG hiệu quả nhất với chi phí tiết kiệm.
Tuy nhiên, theo đại diện của FPT Digital, đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, thực hành ESG là điều vô cùng quan trọng bởi đây là yêu cầu của thị trường quốc tế. Do đó, ông Tuấn Anh nhìn nhận, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải triển khai ESG ngay trong các kế hoạch ngắn hạn để tránh đánh mất thị trường.
Ông Tuấn Anh gợi ý, doanh nghiệp có thể thực hành chuyển đổi số và ESG một cách hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Ứng dụng AI giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nguồn lực và phát triển lực lượng lao động mới.
Cùng chung nhận định về AI, ông Hoàng Anh đề nghị doanh nghiệp nên thành lập phòng hoặc trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) về AI để nghiên cứu, ứng dụng AI vào chuyển đổi số và ESG.
Theo ông Hoàng Anh, việc đầu tư vào nghiên cứu sử dụng AI không phải là mạo hiểm bởi không tiêu tốn quá nhiều chi phí. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể nghiên cứu AI và áp dụng rộng rãi nếu thấy có hiệu quả.
Thanh Hồng /Nhà Quản Trị