Công cụ BSC (viết tắt của Balanced Score Card) còn được gọi là Thẻ điểm cân bằng. BSC là công cụ đo lường, cung cấp các phản hồi cho doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả quản lý và phục vụ yêu cầu của khách hàng.
Trong tình hình cạnh tranh khốc liệt và thay đổi không ngừng như hiện nay, việc áp dụng Balanced Scorecard không chỉ là lựa chọn mà là yếu tố cần thiết để doanh nghiệp có thể duy trì và phát triển một cách bền vững. Vậy, BSC đem lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp?
BSC giúp lập kế hoạch chiến lược tốt hơn: Balanced Scorecard cung cấp bộ khung thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố mục tiêu với nhau, nghĩa là chúng đã đồng thuận với chiến lược cốt lõi nhất định. Kết quả thực hiện các yếu tố mục tiêu này chính là các mảnh ghép để tạo ra bức tranh hoàn chỉnh về chiến lược của doanh nghiệp.

Công cụ BSC đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)
BSC giúp cải thiện truyền thông doanh nghiệp: Khi đã có một bức tranh chiến lược hoàn chỉnh – tất cả chiến lược được “vẽ” trên một mặt giấy, bạn sẽ dễ dàng hơn triển khai kế hoạch truyền thông doanh nghiệp, bao gồm cả truyền thông bên ngoài và truyền thông nội bộ. Mô hình BSC không những giúp đối tác và nhân viên hiểu rõ hơn về nội dung chiến lược mà còn có ấn tượng và dễ nhớ tới từng ưu điểm, nhược điểm,… của các thước đo đang thực hiện.
BSC giúp liên kết chặt chẽ các dự án khác nhau trong doanh nghiệp: Khi đã có bộ khung là mô hình BSC, mọi kế hoạch dự án nhỏ lẻ đều có nền móng và cơ sở chiến lược để dễ dàng xây dựng. Nhờ vậy, bạn có thể đảm bảo toàn thể doanh nghiệp đang thống nhất đi chung một hướng mà không có dự án nào bị lãng phí cả.
BSC giúp cải thiện hiệu suất báo cáo: BSC có thể được sử dụng để làm đề cương báo cáo tổng quan. Điều này giúp cho việc báo cáo trở nên nhanh chóng và gọn gàng hơn, với các nội dung tập trung được rõ nhất vào các vấn đề chiến lược quan trọng nhất.
BSC giúp tổ chức và điều phối tốt hơn: Trong một doanh nghiệp, việc tổ chức và điều phối nhân lực, tài chính… cho các chiến lược kinh doanh đóng vai trò quan trọng. Điều này giúp tăng hiệu suất, giảm rủi ro và tiết kiệm tối đa nguồn lực cho doanh nghiệp.

Áp dụng BSC là yếu tố cần thiết để doanh nghiệp có thể duy trì và phát triển một cách bền vững. (Ảnh minh họa)
BSC hỗ trợ các công ty điều chỉnh cơ cấu bộ máy sao cho phù hợp mục tiêu chiến lược kinh doanh đã đề ra. Để thực hiện tốt kế hoạch, doanh nghiệp cần đảm bảo tất cả đơn vị, phòng ban, nguồn lực và các chức năng hỗ trợ đều làm việc hướng tới một mục tiêu chung. Áp dụng BSC vào các đơn vị đó sẽ giúp liên kết chiến lược với các hoạt động tốt hơn.
BSC giúp quản lý thông tin tốt hơn: Ưu điểm khi áp dụng BSC chính là quản lý và xử lý thông tin chính xác hơn. Các dữ liệu thông tin mang tính sống còn phải được phân tích và lưu trữ tối ưu nhất.
Phương pháp này có thể giúp tổ chức thiết kế các chỉ số hiệu suất chính cho mục tiêu chiến lược khác nhau; từ đó, đảm bảo doanh nghiệp đang đo lường những gì thực sự quan trọng.
An Nguyên /Chất lượng Việt Nam