Xanh hóa sản xuất là đòi hỏi bắt buộc hiện nay, tuy nhiên đáp ứng là điều khó khi doanh nghiệp da giày trong nước còn gặp nhiều thách thức.
Doanh nghiệp đã thực hiện "xanh hóa"
Tại Tọa đàm Động lực “Xanh hóa” chuỗi cung ứng dệt may, da giày do tạp chí Công Thương tổ chức sáng 28/10, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - thông tin, da giày là ngành hội nhập rất rộng, chính vì thế, việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững đã được doanh nghiệp trong ngành, nhất là doanh nghiệp lớn thực hiện. Tuy nhiên, trước đây, yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu là do các nhãn hàng đặt ra nhưng cho đến nay đã được luật hóa tại các thị trường chính của ngành như Mỹ, EU…
Tọa đàm Động lực “Xanh hóa” chuỗi cung ứng dệt may, da giày do tạp chí Công Thương tổ chức sáng 28/10. Ảnh: TCCT
Đơn cử, tại thị trường EU, một số đạo luật đã được ban hành, như đạo luật tra soát chuỗi cung ứng hay đạo luật về chống phá rừng. Sắp tới, hàng loạt các đạo luật mới về trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, dán nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái… sẽ được ban hành. “Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành da giày khi đây thị trường chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu của ngành”, bà Xuân cho hay.
Da giày là ngành thời trang, do đó có sự khác biệt trong chuỗi cung ứng xanh và sẽ phải phát triển từ khâu đầu tiên là khâu thiết kế. Bà Xuân ví dụ, hãng Nike đã đưa ra 10 quy tắc đối với khâu thiết kế, mục đích là để ngay từ khi xây dựng ý tưởng, nhà sản xuất đã phải hướng tới việc lựa chọn những vật liệu thân thiện với môi trường cũng như kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, làm sao đảm bảo phát thải ít nhất, cũng như có thể tái sử dụng được các vật tư, nguyên phụ liệu trong quá trình sản xuất.
Bản thân các nhãn hàng cũng phải có cam kết toàn cầu về cắt giảm phát thải cũng như đảm bảo xanh hóa toàn chuỗi cung ứng, là nhà cung ứng cho các thương hiệu toàn cầu buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện xanh hóa sản xuất. Đây vừa là động lực, vừa là sức ép với doanh nghiệp da giày trong nước.
Lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng cho hay, các doanh nghiệp da giày trong nước, nhất là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đi đầu trong việc thực hiện xanh hóa chuỗi sản xuất, như: Đổi mới công nghệ, sử dụng nguyên liệu sạch; tham gia các quá trình để đánh giá và cấp chứng chỉ toàn cầu như chứng chỉ LEED...
Vẫn cần những giải pháp rõ ràng
Dù vậy, bà Xuân vẫn cho rằng, còn nhiều thách thức trong chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Điểm nghẽn lớn nhất là thiếu giải pháp tổng thể, định hướng cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững, từ việc xây dựng tiêu chí xanh, cho đến toàn bộ quá trình thực hiện, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao được nội lực cả về nguồn lực cũng như nhân lực mới có thể chuyển đổi xanh một cách bền vững và thành công.
Doanh nghiệp da giày chịu nhiều sức ép trong “xanh hóa” sản xuất. Ảnh: TH
Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã đề cập đến chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn cho ngành da giày. Chiến lược này cũng đã nêu ra những mục tiêu cụ thể cũng như mục tiêu chung rất rõ ràng.
Để thực hiện những mục tiêu này cần có chương trình hành động, trong đó ban hành những chính sách khuyến khích doanh nghiệp, đồng thời xây dựng hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng nhất. “Chỉ khi có một giải pháp tổng thể, chúng ta mới nhìn nhận được một cách toàn diện và xây dựng được một hệ điều kiện cũng như tiêu chuẩn một cách rõ ràng, giúp cho các doanh nghiệp có cơ sở để nắm bắt và thực thi một các chuẩn xác nhất”, bà Xuân nhấn mạnh.
Lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng bày tỏ, hiệp hội mong muốn Bộ Công Thương sẽ là đầu mối cùng phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng được chương trình hành động giúp doanh nghiệp nâng cao nội lực, hướng theo phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.
Ở góc độ đơn vị nghiên cứu chính sách, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương nêu quan điểm, trong thời gian 5-10 năm tới, phải triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong chiến lược đề ra rất nhiều mục tiêu, định hướng để phát triển nhưng quan điểm rõ là cơ quan quản lý nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp.
Để thực hiện được chiến lược này, phải xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch theo đúng yêu cầu, các cam kết.
Về đối ngoại, các cơ quan quản lý nhà nước, ngành Công Thương và các cơ quan quản lý có liên quan đàm phán, trao đổi với phía đối tác để xây dựng những bộ tiêu chí, tiêu chuẩn hoặc các quy định để hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận gần hơn đối với thị trường quốc tế.
“Chúng ta phải đàm phán trực tiếp, thẳng thắn, để từ đó cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đối với các tiêu chí về xanh hóa cũng như các yêu cầu tiêu chuẩn xanh trong các sản phẩm dệt may, da giày”, TS. Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.
Hải Linh /Báo Công Thương