Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ và các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Sáng 4/10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Ảnh VGP
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin: "Hiện nay, chúng ta có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu".
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) luôn có vị trí đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tại các nền kinh tế APEC, DNNVV được coi là xương sống của nền kinh tế, chiếm tới 98-99% tổng số doanh nghiệp, đóng góp từ 40-60% GDP của đất nước.
Ở Việt Nam, các DNNVV chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Các DNNVV có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động. Các DNNVV cũng chính là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VGP
Tại cuộc gặp mặt, Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đã thay mặt các doanh nghiệp cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực hết mình với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ thời gian qua, đặc biệt là công tác "chăm lo đời sống và sức khỏe của doanh nghiệp", tạo nên một khối đại đoàn kết mạnh mẽ, chung sức đồng lòng xây dựng và bảo vệ tổ quốc qua hết thử thách này đến khó khăn khác.
"Năm 2024 chuẩn bị kết thúc và chúng ta bước sang năm cuối của nhiệm kỳ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Ở góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi tin tưởng 15 chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu nhiệm kỳ sẽ đạt được, trong đó mức tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6-6,5%. Bên cạnh đó, nước ta cũng có những mục tiêu xa hơn vào năm 2030 là một quốc gia có mức thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045 là một quốc gia công nghiệp phát triển, thu nhập cao", ông Thân chia sẻ.
Để góp phần thực hiện các mục tiêu này, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đã tham gia góp ý 6 vấn đề:
Thứ nhất, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.
Hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, chẳng hạn như việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đường bộ cao tốc và đồng thời nghiên cứu triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Một thách thức đặt ra là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các Dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý".
Hiệp hội DNNVV Việt Nam mạnh dạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).
Một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.
Thứ hai, kinh tế số là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có một thị trường tài chính, thị trường vốn rất lớn đang được thế giới nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ nhưng Việt Nam lại đi sau, đó là thị trường tiền số.
Mặc dù Việt Nam hiện nay chưa cho phép vận hành thị trường này nhưng rất nhiều nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn người dân bình thường) vẫn tham gia đông đảo ở các sàn tiền số trên thế giới. Lượng tiền lưu thông trong thị trường này lên đến hàng trăm tỷ USD và là kênh huy động vốn rất hiệu quả của nhiều dự án công nghệ.
Thứ ba, nước ta hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Vậy nên Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.
Thứ tư, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu NSNN và 60% lao động, tuy nhiên đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa (hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp - chiếm 4% nhưng con số này không hề nhỏ - họ là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá chuyên nghiệp). Để gia tăng số lượng "đàn sếu" của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.
Thứ năm, cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh (đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp), trong khi đó quy định về đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp, điều này là rất thiệt thòi đối với họ. Do vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh, trong đó để "chính thức hóa" chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được "phải" chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.
Thứ sáu, rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài; kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. "Điều kiện của Quỹ là không có vốn mồi, hoạt động hoàn toàn dựa trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội và tuân thủ quy định pháp luật về Quỹ nhằm ươm mầm và phát triển các thế hệ trẻ Việt Nam", ông Thân chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh VGP
Đánh giá về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Chúng tôi rất vui mừng, tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh và trưởng thành, và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nhất là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế".
Thời gian tới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó tập trung tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân; tiếp tục phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực...
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
"Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao", Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các doanh nghiệp, doanh nhân và quý vị đại biểu đã đóng góp nhiều đề xuất, ý kiến rất hay, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ, sát thực tế và mang tính xây dựng.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để trình ban hành thông báo kết luận của Hội nghị, nhằm kịp thời xử lý, giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp, doanh nhân, giao các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho đất nước và cho doanh nghiệp, doanh nhân...
Trang Mai /Doanh Nhân Việt Nam