Vượt qua nhiều khó khăn với những nỗ lực đổi mới và phản ứng phù hợp, hiệu quả, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam cán đích kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Sang năm 2025, với nhiều động lực tích cực, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành dệt may Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may thế giới, mang lại ngoại tệ lớn cho đất nước và thu nhập cho khoảng 3 triệu lao động…
I. Nỗ lực vượt khó năm 2024
Năm 2024, thế giới ghi nhận nhiều biến động khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp; thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp; nhu cầu dệt may không tăng, đơn hàng với ngành may tiếp tục là đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe về chất lượng, thời gian giao hàng nhanh…
Thị trường dệt may thế giới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ giữa năm 2024 khi các Ngân hàng Trung ương lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có các đợt cắt giảm lãi suất điều hành và việc làm, thu nhập người dân có sự cải thiện. Ước tính cả năm 2024, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 794 tỷ USD, tăng gần 3,0% so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 8,0% so với năm 2022.
Với ngành dệt may Việt Nam, trong quý I/2024, quý II/2024, tình hình vẫn rất khó khăn cả về đơn hàng và giá cả; đơn giá ngành may trong 06 tháng đầu năm vẫn ở mức rất thấp trên nền đơn giá của năm 2023. Với ngành sợi, tuy có cải thiện một chút song thị trường vẫn ảm đạm, giá bán dưới giá thành (số liệu thống kê cho thấy, đơn giá xuất khẩu xơ, sợi trung bình của Việt Nam qua các tháng trong năm 2024 vẫn giảm so với mức nền thấp của năm 2023. Điển hình như hồi tháng 02/2024, đơn giá trung bình khoảng 2.433 USD/tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023).
Từ nửa cuối năm 2024, Việt Nam là một trong những thị trường được ưu tiên chọn cho các đơn hàng chuyển dịch khỏi các nước mất ổn định chính trị. Đặc biệt, lượng đơn hàng gia tăng từ Bangladesh sang Việt Nam khởi nguồn từ cuối quý III/2024 đã giúp phần lớn doanh nghiệp dệt may gần như đẩy đơn hàng suốt từ tháng 7 – 12/2024. Nhiều đơn vị đã có đơn hàng đến hết quý I/2025 và một số đã có đơn hàng đến hết tháng 05/2025.
Năm 2024 toàn ngành dệt may Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước đạt 44 tỷ USD. Ảnh minh họa
Trước những diễn biến mới của thị trường, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chủ động đổi mới cách thức quản lý, điều hành theo hướng tích cực, linh hoạt và quyết liệt, tái cơ cấu lại hoạt động và kiên trì chiến lược liên kết chuỗi, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động trong toàn hệ thống.
Đặc biệt, kiên trì chiến lược liên kết chuỗi, năm 2024, Vinatex tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển chuỗi cung ứng để trở thành một điểm đến trọn gói, đưa Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh thời trang Vinatex vào hoạt động. Tập đoàn khai thác thị trường mới, thị trường ngách bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy (hợp tác kinh doanh với Tập đoàn COATS, Vương quốc Anh), nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới; Triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số (ERP); Tiếp tục triển khai các hoạt động về phát triển bền vững trong doanh nghiệp dệt may đáp ứng yêu cầu xanh hóa…
Nhờ đó, năm 2024 toàn ngành dệt may Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, cao nhất trong các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới, cán đích kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023 và là nước đứng thứ II thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc; Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo, Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%...; Hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý III/2024, không có đơn vị nào bị lỗ. Đây là nỗ lực vượt bậc, bởi năm 2023, tức sau 30 năm tham gia xuất khẩu, lần đầu tiên, ngành dệt may sụt giảm so với năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp may mặc trong nước tăng cường áp dụng các giải pháp về công nghệ, máy móc thiết bị nâng cao hiệu quả quản trị, năng suất lao động đã góp phần lớn vào kết quả này, với mức tăng trưởng ấn tượng, như MSH tăng 49%, TNG tăng 46%, TCM tăng 30% và VGT tăng 23%. Ngành sợi cũng giảm tới 90% lỗ so với 2023 (dự kiến lỗ 100 tỷ VND, trong khi năm 2023 lỗ hơn 700 tỷ VND). Nếu tính 10 tháng năm 2024, trong 30 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của ngành dệt may có 10 doanh nghiệp Việt Nam và 20 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều đã thích ứng khá tốt với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Riêng Vinatex, kết quả doanh thu hợp nhất năm 2024 ước đạt 18.100 tỷ VND, bằng 102,8% so với năm 2023; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ VND, bằng 137,5% so với năm 2023; Thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu VND /người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023.
II. Triển vọng vươn mình năm 2025
Năm 2025 được dự báo kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi chậm nhưng cao hơn năm 2024 và không đồng đều. Cụ thể: Tăng trưởng của Mỹ sẽ đạt 1,6% GDP; khu vực Eurozone đạt 1,3%; Nhật Bản đạt 1,4%; Anh đạt 1,2%; Trung Quốc đạt 4,5%, Ấn Độ đạt 6,8%; khu vực Trung Đông và Trung Á đạt 3,9%; Châu Phi cận Sahara đạt 4,2%; khu vực Mỹ Latinh và Caribe đạt 2,5%; các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Âu đạt 2,2%, Nga đạt 1,3%.
Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ có sự cải thiện đáng kể trong năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 3,25% sau giai đoạn trì trệ năm 2023. Mặc dù các rào cản thương mại xuyên biên giới giữa các khối địa chính trị đối lập có xu hướng gia tăng, tỷ lệ thương mại trên GDP toàn cầu vẫn được dự báo duy trì ổn định. Việc Tổng thống Mỹ Donal Trump dự kiến sẽ tăng cường áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Đây có thể là phát súng châm ngòi cho một cuộc chiến thuế quan mới, khi các quốc gia bị áp thuế tìm cách trả đũa hành động này.
Lạm phát toàn cầu năm 2025 dự kiến giảm xuống mức 4,3%, từ mức 5,8% trong năm 2024. Đặc biệt, các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 2,0% vào năm 2025, trong khi các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ giảm xuống mức 5,9%.
Thị trường năng lượng năm 2024 được dự báo sẽ ổn định hơn so với những năm trước, với giá dầu dao động trong khoảng 75-85 USD/thùng. Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng xanh ngày càng mạnh mẽ, giúp cân bằng cung cầu dầu mỏ. Căng thẳng nợ công có thể tiếp tục gia tăng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Các quốc gia thu nhập thấp sẽ đặc biệt có nguy cơ suy thoái cao hơn nữa do không gian tài khóa hạn chế và khả năng vay vốn thấp trong khi lãi suất cao.
Giá hàng hóa và dịch vụ toàn cầu vẫn có thể tăng đột biến trở lại do hậu quả của các cú sốc từ biến đổi khí hậu, xung đột khu vực cho tới căng thẳng địa chính trị lan rộng. Nhiều quốc gia sẽ thúc đẩy động lực cải cách cơ cấu mạnh mẽ và tiếp tục tìm kiếm các đối tác song phương, đa phương, hoàn thiện và củng cố chuỗi cung ứng mà mình tham gia.
Năm 2025 là năm đặc biệt trong giai đoạn 10 năm 2021-2030 của kinh tế Việt Nam: Chuẩn bị tổng kết hoạt động Đại hội XIII, chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng XIV; năm bản lề chuẩn bị khởi đầu Kỷ nguyên mới vươn mình của Việt Nam và tăng tốc các vấn đề về xây dựng chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp chế biến ứng dụng/có hàm lượng khoa học công nghệ cao, trong mô hình kinh tế số, xanh và tuần hoàn; tiếp tục thích ứng với bối cảnh cạnh tranh địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp và khó lường; sự gia tăng áp lực tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế;
Năm 2025 là năm các luật mới thông qua năm 2023 và 2024 có hiệu lực và phát huy tác động khá mạnh, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…góp phần tháo gỡ nút thắt các thị trường quan trọng, như thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu và tín dụng.
Đồng thời, 2025 sẽ là năm cả nước cần tập trung nhấn mạnh và làm rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cũng như phát huy vai trò của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường; phân định rõ hơn vai trò, nội dung, yêu cầu và các công cụ quản lý kinh tế của nhà nước trong phát triển và củng cố các quan hệ gắn kết giữa kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; nhấn mạnh cả hai yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động của những lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới; phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tạo nền tảng vật chất nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác…
Năm 2025 Việt Nam đứng trước vận hội mới và thách thức không nhỏ về kỷ nguyên vươn mình và cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy trong toàn bộ hệ thống chính trị theo tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi xướng… với ưu tiên hàng đầu là đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hiện thực hoá khát vọng hùng cường, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu theo di nguyện thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch.
Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới về tốc độ tăng trưởng GDP cao (từ 5,8-6,5%) trong giai đoạn 2024-2029 theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế), nhất là về kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử. Sự tăng trưởng kinh tế và hình thành các chuỗi cung ứng mới đòi hỏi nhu cầu vốn cao, thị trường tín dụng và tài chính năm 2025 tiếp tục mở rộng, gắn với sự gia tăng nhẹ lãi suất huy động và cho vay tín dụng các ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, năm 2025 tăng trưởng thị trường dệt may có nhiều dấu hiệu tốt hơn và xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 45,5 – 46,0 tỷ USD, tăng 5 - 6% so với năm 2024, bởi lẽ: Thứ nhất, nền kinh tế các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện, tổng cầu dệt may thế giới ước đạt 850 tỷ USD.
Thứ hai, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên đến 60% đối với hàng Trung Quốc (chiếm thị phần trên 20% tổng hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ năm 2019 và còn 13% vào năm 2023), và từ 10 – 20% đối với một số quốc gia khác (Việt Nam có khả năng cao chịu thuế khoảng 10%) thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn, khi tuân thủ tốt quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng… Khi đó, hàng dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội vượt lên dẫn đầu thị phần Mỹ, nhất là có thêm lợi thế chi phí lao động hiện vẫn chỉ bằng một nửa của Trung Quốc.
Thứ ba, năm 2025 Vinatex và ngành dệt may Việt Nam nói chung nhận được những động lực thể chế mới trên hành trình đồng hành cùng Kỷ nguyên vươn mình của đất nước và dân tộc. Bên cạnh những động lực chung từ việc tinh gọn bộ máy, giảm thiểu chi phí cơ hội của doanh nghiệp, Vinatex còn nỗ lực tự thân, hướng tới phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột môi trường – xã hội – quản trị và tài chính (ESGF), có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt, có văn hoá doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa truyền thống nhân văn của các thế hệ đi trước và khoa học, hiện đại hướng đến người lao động…
Thứ tư, đặc biệt, ngoài vị trí địa lý thuận lợi, nền chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, điểm mạnh của ngành dệt may Việt Nam là lực lượng lao động trẻ, dồi dào. Chi phí lao động mặc dù không còn lợi thế cạnh tranh, nhưng kỹ năng may của công nhân Việt Nam đẹp và tốt hơn. Chất lượng sản phẩm đồng đều hơn Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đã có không ít công ty sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp dệt may và cũng là nhà cung ứng cho các nhãn hàng lớn như Adidas, Nike…; nhiều doanh nghiệp còn tự chủ làm được các loại vải thân thiện với môi trường như công ty Faslink làm được vải từ bã cà phê, từ tre…; công ty Bảo Lân có vải làm từ sợi dứa.
Tuy nhiên, năm 2025 doanh nghiệp ngành dệt may cũng tiếp tục đối mặt những thách thức, như: giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng, thanh toán, giảm sản lượng, những tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến "xanh hóa" trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu và tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp. Dự báo, trong 2-4 năm tới, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với hơn 35 luật mới liên quan đến phát triển bền vững của hầu hết thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…. Nếu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ bị mất đơn hàng, giảm doanh thu.
Trên thực tế, gần đây một số thương hiệu đã thể hiện quan điểm thận trọng về nhu cầu trong tương lai và sự do dự về việc tăng mức hàng tồn kho. Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể làm giảm tiêu thụ các sản phẩm dệt may của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm, dẫn đến nhu cầu sợi tại Trung Quốc thấp hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sợi của Việt Nam. Đồng thời, khi hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bị chững lại do chịu thuế nhập khẩu cao hơn, có thể kéo theo hậu quả Trung Quốc tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác và do đó tăng độ cạnh tranh với hàng dệt may Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu khác…
Ngoài ra, năm 2025 và tiếp theo, khi dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng (theo Tổ chức Lao động quốc tế, mức lương tháng bình quân của lao động dệt may Việt Nam vào khoảng 300 USD, cao hơn mức trung bình toàn cầu, gấp 2,0 lần mức lương tương ứng tại Ấn Độ và gấp 3,0 lần mức lương tương ứng tại Bangladesh), do người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tiền lương trong nước; trong khi vẫn còn một số doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận các đơn hàng lớn và phải bằng lòng với đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và yêu cầu khắt khe…
Trong bối cảnh đó, để ngành dệt may Việt Nam đạt được mục tiêu trong năm 2025, Vinatex xác định cần tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may và kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, xây dựng thương hiệu, cập nhật công nghệ, kỹ năng nghề, phát triển bền vững…
Đặc biệt, thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc bám sát diễn biến trong, ngoài nước, xây dựng các kịch bản tăng trưởng và giải pháp ứng phó tình huống là cần thiết để các doanh nghiệp thêm chủ động và phản ứng kịp thời với những biến động thị trường.
Ngoài ra, để tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững và sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp cần đáp ứng quy tắc xuất xứ và khai thác tốt hơn các thị trường lớn, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các FTA và đa dạng hóa thị trường, đối tác, khách hàng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao …
Đồng thời, doanh nghiệp cần nhanh nhạy đón bắt nhu cầu của thị trường, coi trọng phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ và công nghiệp hỗ trợ (hiện Việt Nam chỉ mới sản xuất được 1,0% lượng sợi cotton, phải nhập khẩu khoảng 3,0 tỷ USD nguyên liệu này. Con số tương ứng của sợi tổng hợp là 30% và 2,0 tỷ USD; vải là 20% và 13,0 tỷ USD); tăng cường đầu tư, công nghệ hóa, robot hóa quy trình sản xuất; tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất để đạt các chứng chỉ xanh; tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác chung trong ban sản xuất sợi, nhất là công tác thị trường và mua nguyên liệu; dự báo, tìm kiếm và tổ chức tiếp cận ở cấp tập đoàn đối với các chuỗi cung ứng lớn; coi trọng quy hoạch các khu công nghiệp lớn và tăng gắn kết với doanh nghiệp trong hệ thống để tăng năng lực cạnh tranh, gắn kết giữa ngành may và các đơn vị dệt nhuộm trên cơ sở ngành may là động lực, là định hướng sản xuất và đầu tư cho cả sợi, dệt đưa hệ thống sợi Vinatex tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu (hiện tỷ lệ xuất khẩu hàng may mặc theo phương thức gia công CMT vẫn chiếm khoảng 65% số doanh nghiệp dệt may; Xuất khẩu theo phương thức OEM/FOB - khách hàng sẽ lên thiết kế mẫu mã và xưởng sản xuất sẽ mua phụ kiện, thực hiện may và chuyển cho khách- khoảng 25% và chỉ có 10% xuất khẩu theo phương thức ODM - nhà sản xuất thiết kế gốc, còn được gọi là ghi nhãn riêng, là một hình thức sản xuất theo hợp đồng; trong đó, biên lợi nhuận ròng của CMT chỉ được 1,0-3,0%, OEM/FOB đạt 3,0-5,0%, ODM 5,0-7,0%. Chỉ có OBM đạt trên 10,0%).
Với những thành tựu, bản lĩnh và kinh nghiệm đã có là cơ sở để tin tưởng ngành dệt may Việt Nam ngày càng nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả và sẽ đạt được mọi mục tiêu đặt ra trên hành trình phát triển và hội nhập.
Xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững đang ngày càng gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp dệt may. Kết quả khảo sát của tổ chức Roundup gần đây cho thấy 73% nam giới từ 25-34 tuổi sẵn sàng chi nhiều hơn cho thời trang bền vững. Có 69% độc giả của tạp chí thời trang Vogue cho rằng, bền vững là yếu tố quan trọng để họ quyết định mua sản phẩm. Có 46% nhà bán lẻ thời trang nhanh báo cáo doanh số bán hàng giảm kể từ năm 2020 và 85% thương hiệu thời trang lớn cũng đã công bố mục tiêu và lộ trình phát triển bền vững.
Các thương hiệu thời trang lớn như Adidas, Nike, Puma, Reebok… đều yêu cầu chuỗi cung ứng của mình phải cung cấp số liệu trên các nền tảng tiêu chuẩn quốc tế như SBTi, Higg FEM, ZDHC, SLCP… để hỗ trợ họ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Adidas cam kết đến năm 2025 sử dụng 100% nguyên liệu tái chế, giảm 90% lượng phát thải carbon. Nike cam kết năm 2025 sử dụng 100% năng lượng tái tạo, năm 2030 trung hòa carbon.
TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế
Tài liệu tham khảo:
1/. https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/nganh-det-may-viet-nam vuon-len-vi-tri-thu-2-the-gioi 687434.html#:~:text=V%E1%BB%81%20xu%E1%BA%A5t%20kh%E1%BA%A9u%20d%E1%BB%87t%20may,%C4%91%E1%BA%A5t%20n%C6%B0%E1%B B%9Bc%20v%C3%A0%20d%C3%A2n%20t%E1%BB%99c.
2/. https://baocaovien.vn/tin-tuc/nganh-det-may-viet-nam-dung-truoc-kho khan-va-co-hoi-dan-xen/160630.html
Chất lượng Việt Nam