Chuyển đổi nhanh là công cụ khởi nguồn và là một trong những điều kiện tiên quyết dành cho doanh nghiệp khi ứng dụng các công cụ Lean khác. Do đó có thể nói đây là công cụ tích hợp ứng dụng từ nhiều công cụ khác. Áp dụng công cụ này trong tổ chức, doanh nghiệp cũng không quá phức tạp, mọi cán bộ công nhân viên đều có thể tiếp cận được.
Giảm thời gian chuyển đổi và cài đặt, gọi tắt là chuyển đổi nhanh (Quick Change Over) là công cụ thực hành giúp nhà sản xuất giảm thời gian thay đổi một dây chuyền hay máy móc sản xuất từ sản phẩm này sang sản phẩm khác, chuẩn bị, xử lý hay đóng gói nhiều sản phẩm khác nhau trên một máy, dây chuyền hay đơn vị làm việc. Đây là một trong những công cụ của Lean nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.
Khi doanh nghiệp áp dụng công cụ chuyển đổi nhanh sẽ mang đến những thuận lợi và khó khăn nhất định. Trước tiên, xét về mặt thuận lợi, khi áp dụng chuyển đổi nhanh thì lợi ích mang lại không chỉ dừng lại ở cấp doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng có liên quan.
Điểm mạnh của chuyển đổi nhanh là được đo lường và thể hiện bằng các con số, giúp doanh nghiệp dễ hình dung các vấn đề về năng suất. Ảnh minh họa
Chuyển đổi nhanh là công cụ khởi nguồn và là một trong những điều kiện tiên quyết dành cho doanh nghiệp khi ứng dụng các công cụ Lean khác. Do đó có thể nói đây là công cụ tích hợp ứng dụng từ nhiều công cụ khác. Áp dụng công cụ này trong tổ chức, doanh nghiệp cũng không quá phức tạp, mọi cán bộ công nhân viên đều có thể tiếp cận được.
Mặt khác, các kết quả nghiên cứu của công cụ được đo lường và thể hiện bằng các con số, biểu đồ, hình ảnh cụ thể. Đây là một trong những điểm mạnh của công cụ này, qua đó có thể thuyết phục và gây ấn tượng với doanh nghiệp và các tổ chức trong việc hình dung các vấn đề về năng suất tại doanh nghiệp, tổ chức của mình.
Xét về mặt khó khăn, các chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất trong triển khai công cụ chuyển đổi nhanh là xác định đúng như thế nào là hoạt động bên trong và hoạt động bên ngoài của bất kỳ hoạt động nào trong chuỗi công việc thuộc phạm vi áp dụng. Việc xác định đúng sẽ có khả năng giúp các tổ chức, doanh nghiệp nhận diện và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu đến 30 - 50% lãng phí có liên quan.
Một khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là không hoặc thiếu chủ động chuẩn hóa công việc. Các công việc cần được chuẩn hóa trước hoặc trong quá trình khi triển khai công cụ này. Công việc được chuẩn hóa là các quy định về quy trình, hướng dẫn và thao tác công việc hết sức chi tiết nhằm tránh sự thiếu nhất quán hoặc hiểu sai về cách thức thực hiện công việc.
Áp dụng chuyển đổi nhanh không chỉ mang lại lợi ích ở cấp doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa
Tiêu chuẩn hoá công việc là việc lưu giữ lại phương pháp tốt nhất ở thời điểm hiện tại để sản xuất một cách an toàn, hiệu quả và chất lượng cao, bằng việc văn bản hoá hay trực quan hoá. Tiêu chuẩn hoá công việc dựa trên ba yếu tố chính: Trình tự công việc; Thời gian khách hàng yêu cầu làm ra một sản phẩm và lượng hàng tồn tiêu chuẩn công đoạn.
Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, chuyển đổi nhanh không phải là một công cụ độc lập, để mang lại hiệu quả, cần áp dụng tích hợp các công cụ, phương pháp khác. Công cụ này là công cụ chẩn đoán, muốn xử lý các vấn đề nhằm tạo cân bằng thì cần áp dụng tích hợp các công cụ, phương pháp khác, ví dụ như nghiên cứu thời gian, nghiên cứu thao tác,…
Trên thế giới công cụ này đã được áp dụng rộng rãi và mở rộng áp dụng cho hầu hết tổ chức/doanh nghiệp hoạt động trong mọi ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như ngành sản xuất công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, kể cả các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, kinh doanh thương mại, nhà hàng, khách sạn,... Tuy nhiên, công cụ này được doanh nghiệp sản xuất trên thế giới triển khai áp dụng hơn là trong lĩnh vực dịch vụ.
Lean Manufacturing (thường được gọi là Sản xuất Tinh gọn) là tổ hợp các giải pháp được sử dụng trong doanh nghiệp nhằm cải thiện chất lượng, loại trừ lãng phí, giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sản xuất. Qua đó nâng cao năng suất hoạt động của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Lean bao gồm 8 công cụ: Tiêu chuẩn hóa công việc (Standard Work); Chuyển đổi nhanh (Quick Change Over); 5S; Quản lý trực quan (Visual Management); Sơ đồ chuỗi giá trị (Value Stream Mapping); Thẻ Kanban; Ngăn chặn sai lỗi (Poka Yoke hay Mistake Proofing); Bảo trì sản xuất tổng thể (TPM – Total Productive Maintenance).
Mai Phương /Chất lượng Việt Nam