Việt Nam đang khẳng định vị thế trong việc tái định hướng chuỗi cung ứng và có tiềm năng trở thành công xưởng mới của thế giới. Tuy nhiên, việc này không dễ.
Công xưởng mới – kỳ vọng mở ra cơ hội
Theo Bộ Công Thương, sự tiến bộ của công nghiệp chế biến chế tạo giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới. Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD.
Việt Nam đang khẳng định vị thế trong việc tái định hướng chuỗi cung ứng và có tiềm năng trở thành công xưởng mới của thế giới. Ảnh: QN
Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á, điều này được kỳ vọng mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia vào chuỗi của các "ông lớn" công nghệ hàng đầu như Apple, Intel, Samsung… Nhưng trên thực tế, việc tận dụng cơ hội vẫn là bài toán rất khó với nhiều doanh nghiệp.
Trong nửa đầu năm nay, các tên tuổi lớn về công nghệ đã đến Việt Nam. Đơn cử như Trina Solar (Trung Quốc): 454,4 triệu USD; Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Gokin Solar (Hong Kong- Trung Quốc): 274,8 triệu USD; Dự án nhà máy thiết bị điện tử của BOE (Trung Quốc): 275 triệu USD; Dự án nhà máy sợi sinh học Bio-BDO (Butanediol) của Hyosung (Hàn Quốc): 730 triệu USD; Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh (Đài Loan - Trung Quốc): 383 triệu USD; Tập đoàn công nghệ Amkor (Mỹ): 1,07 tỷ USD.
Trên thực tế, không chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc, mà nhiều doanh nghiệp FDI từ khắp các quốc gia trên thế giới cũng theo chân công ty mẹ vào Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng. Đơn cử, tập đoàn Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam. Cùng với đó, các đối tác của Apple tại Việt Nam như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng các cơ sở sản xuất sẵn có.
Mới đây Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset đã liệt kê những trường hợp điển hình từ các “ông lớn” công nghệ như: Công ty Apple có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam; Phó chủ tịch hãng công nghệ Nvidia của Mỹ đã đến thăm Việt Nam vào tháng 4/2024 để thảo luận về hợp tác về hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI); Samsung dự kiến đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam; Alibaba dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam; các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Hyundai Motor, Lotte, Doosan Enerbility, Hyosung cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên có một thực tế mà các chuyên gia nhìn nhận, để Việt Nam không tuột mất hàng tỷ USD đầu tư từ các “đại bàng” FDI và tiếp tục là “công xưởng” công nghệ của thế giới, đòi hỏi chính sách ưu đãi cần phù hợp, rõ ràng với bối cảnh mới và nên cung cấp hệ sinh thái đầy đủ, cơ sở hạ tầng.
Đứng ở góc độ quản lý, gần đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thấy rõ những vấn đề mà các doanh nghiệp FDI gặp khúc mắc và mong rằng Chính phủ cần có giải pháp cấp bách để ứng phó. Nhất là trước tình trạng có không ít “đại bàng” công nghệ tìm đến Việt Nam để khảo sát đầu tư dự án, nhưng khi thấy không đáp ứng được những vấn đề cần thiết nên họ đã chuyển sang quốc gia khác.
Trong xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng, để không trở thành "vùng đệm", Việt Nam cần nâng cao năng lực hấp thụ dòng vốn FDI, tận dụng cơ hội cho thay đổi và tự chủ công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ để dần tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu, tiến tới doanh nghiệp Việt Nam thay thế các công ty nước ngoài.
Để các “đại bàng” yên tâm ''làm tổ"
Thực ra, cơ hội để Việt Nam tiếp tục thu hút những “đại bàng” công nghệ vẫn còn dư địa, theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong quá trình phát triển, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Bộ Công Thương đã đề xuất những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam.
“Tuy nhiên, chính sách này không dàn trải mà tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên. Đây sẽ là một trong những chuyển biến quan trọng trong xây dựng chính sách xây dựng một nền công nghiệp tự chủ. Qua đó, giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới, một điểm đầu tư hấp dẫn các tập đoàn lớn thế giới vào đầu tư tại Việt Nam”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nói
Đối với xu hướng phát triển bền vững cùng những yêu cầu như hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, với nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên chuyển đổi số, cải thiện kỹ năng, trình độ nguồn nhân lực. Có như vậy mới đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện Cục Công nghiệp cũng cho rằng, trên thực tế, mức độ hiểu biết, sự nắm bắt thông tin của một bộ phận doanh nghiệp Việt mà đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa về kinh doanh có trách nhiệm vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, khái niệm về trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tương tự, các công ty hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới như Boeing, Airbus đang tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất của họ. Tuy nhiên, con đường để vào chuỗi của các “ông lớn” này luôn không hề dễ với doanh nghiệp Việt Nam.
Trước thực tế trên, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng kiến nghị cần có chiến lược, xem công nghiệp hỗ trợ có vai trò cực kỳ quan trọng, hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa. Thêm vào đó, cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù riêng làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.
Về vấn đề này, Cục Công nghiệp cho biết đã hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2024 – 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường.
Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa… để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Cùng với phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ mới, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tăng năng suất lao động - đảm bảo chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng - đủ điều kiện kết nối vào chuỗi cung ứng, cũng là một trong những phương thức để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng một nền công nghiệp tự chủ.
Cho nên, nếu muốn Việt Nam xứng tầm là “công xưởng” công nghệ của thế giới và không để các “đại bàng” chọn đầu tư ở quốc gia khác, rất cần các cơ quan quản lý và những địa phương có thế mạnh về thu hút dòng vốn FDI cần nhìn nhận lại một cách khiêm tốn để điều chỉnh thích hợp các chính sách ưu đãi, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng logistics, chuỗi cung ứng nội địa, cắt gọn các thủ tục hành chính.
Duy Anh /Báo Công Thương