Sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc có sự phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực, chỉ số ngành công nghiệp ghi nhận chuỗi tăng 6 tháng liên tiếp.
Doanh nghiệp điện tử nhận được nhiều đơn hàng
Theo Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, trong tháng 8/2024, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhận được nhiều đơn hàng, theo đó đã mở rộng sản xuất và tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày.
Sản xuất công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc khởi sắc. Ảnh: KL
Cũng trong tháng 8/2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 15,94% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, IIP toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 12,31% so với cùng kỳ năm 2023.
So với tháng 7/2024 và cùng thời điểm của năm 2023, IIP tháng 8/2024 của các ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc như sau: Ngành khai khoáng giảm 21,11% so với tháng trước và giảm 34,26% so với cùng kỳ năm ngoái; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 16,14% so với cùng kỳ năm 2023; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,39% và tăng 10,36%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý tác thải, nước thải giảm 0,95% so với tháng 7/2024 và giảm 10,90% so với cùng kỳ năm trước.
IIP tháng 8/2024 của ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 4,16% so với tháng trước và tăng 11,69% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
Đặc biệt, theo nhận định của đại diện Cục Thống kê Vĩnh Phúc, phần lớn các doanh nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), những doanh nghiệp này sử dụng dây chuyền công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tự động hoá ở nhiều công đoạn. Nhiều doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể duy trì và đáp ứng được các đơn hàng lớn.
Trước đó, báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: Compal; BH Flex; DKT Vina; Interflex Vina… là những doanh nghiệp đang có được đơn hàng ổn định từ những tập đoàn lớn trên thế giới như Apple; Samsung; Google, Dell..
Trong các ngành công nghiệp cấp 2, có 21/25 ngành có IIP tăng so với cùng kỳ. Ảnh: Thanh Nga
Cần giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp chủ lực
Bên cạnh ngành sản xuất linh kiện điện tử, tháng 8 của tỉnh Vĩnh Phúc cũng ghi nhận IIP của một số ngành công nghiệp chủ lực giảm. Cụ thể, IIP tháng 8/2024 của ngành sản xuất ô tô giảm 6,57% so với tháng trước, tăng 16,64% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất xe máy giảm 5,65% so với tháng trước và tăng 29,62% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Cục Thống kê Vĩnh Phúc tại báo cáo kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2024: “Thị trường ô tô, xe máy trầm lắng do tháng 8/2024 trùng với tháng 7 âm lịch, cùng với việc chính sách giảm lệ phí trước bạ chưa được ban hành như dự kiến, dẫn đến tâm lý hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng”.
Cùng với đó, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có chỉ số IIP gảm 4,88% so với tháng trước và tăng 29,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành sản xuất kim loại giảm 13,02% so với tháng trước và tăng 15,40% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng, thời tiết mưa nhiều làm giảm tiến độ thi công các công trình xây dựng, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất và tiêu thụ của hai ngành này.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, IIP toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 12,31% so với tháng trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 14,90%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,43%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 9,47%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,39%.
Trong các ngành công nghiệp cấp 2, có 21/25 ngành có IIP tăng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành có chỉ số IIP tăng cao như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 21,08%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 22,45%; ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 33,58%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 21.02%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,60%.
Ở chiều ngược lại, có 4/25 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ do gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu và đơn hàng: Ngành khai khoáng giảm 4,90%; ngành sản xuất trang phục giảm 6,09%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 1,83%; ngành hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu giảm 12,01%.
Về sản phẩm sản xuất, tháng 8/2024, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh Vĩnh Phúc đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tăng mạnh nhất là sản phẩm giày thể thao các loại với mức tăng 56,77%. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, ước tính sản lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ, trừ sản lượng giày thể thao và xe ô tô các loại giảm nhưng mức giảm không đáng kể.
Chỉ số sử dụng lao động, tháng 8/2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 2,49% so với tháng trước và tăng 4,55% so với cùng kỳ năm ngoái. So với cùng kỳ, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp nhà nước tăng 0,62%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 2,66% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 8/2024, ước giảm 5,73% so với tháng trước và tăng 16,44% so với cùng kỳ; trong khi đó, chỉ số tồn kho tăng 6,85% so với tháng trước và tăng 1,11% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyễn Hoà /Báo Công Thương