Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng bị lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi, đặc biệt nhắm vào người lớn tuổi.
Người lớn tuổi là những người có ít kinh nghiệm và dễ bị tổn thương trong môi trường trực tuyến, nên dễ dàng trở thành mục tiêu để các đối tượng lừa đảo nhắm đến.
Các nội dung giả mạo có thể được tạo ra bằng công nghệ AI, từ thông tin, hình ảnh đến video, đang tràn lan trên mạng xã hội, tạo nên những cái gọi là "bẫy boomer" - chiêu trò lừa đảo tinh vi nhắm vào thế hệ "baby boomer" (những người trên 60 tuổi). Đây là những người có kỹ năng công nghệ thấp, ít kinh nghiệm và dễ bị tổn thương trong môi trường trực tuyến.
Ngoài ra, người lớn tuổi cũng dễ dàng "sập bẫy" các hình thức lừa đảo như: Lừa đảo qua điện thoại: Kẻ xấu gọi điện thoại và giả danh các cơ quan chính phủ, ngân hàng hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe để yêu cầu thông tin cá nhân hoặc tài chính.
Lừa đảo qua email (phishing): Người lớn tuổi có thể nhận được email giả mạo dưới dạng thông báo từ ngân hàng hay công ty mà họ sử dụng, yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân.
Giả mạo dịch vụ hoặc sản phẩm: Đây là khi kẻ lừa đảo cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm không có thật nhưng yêu cầu thanh toán trước. Hay cấu kết để lừa đảo: Một số kẻ lừa đảo có thể kết hợp với người quen biết người lớn tuổi đó để lấy lòng tin và thực hiện hành vi lừa đảo.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng lớn tuổi cần nâng cao nhận thức về kiểm chứng thông tin và kỹ năng số. Những người dùng lớn tuổi có thể nhận diện các thông tin giả mạo như: những chi tiết kỳ lạ, văn bảo không gãy gọn hay câu chuyện quá hoàn hảo nhưng không có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất hiện “bẫy boomer” nhằm vào người lớn tuổi. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, Công ty an ninh mạng Tarlogic tại Tây Ban Nha cho biết, các chuyên gia của họ đã phát hiện một lệnh ẩn được mã hóa trong chip ESP32 do Espressif sản xuất, có nguy cơ bị hacker khai thác bằng cách mạo danh một thiết bị đáng tin cậy và truy cập thông tin được lưu trữ trên đó. Bằng cách này, hacker có thể theo dõi người dùng hoặc thực hiện các hành động mờ ám khác trên thiết bị.
Theo các chuyên gia của Tarlogic, những mối đe dọa phát sinh từ các lệnh ẩn bao gồm việc triển khai phần mềm độc hại ở cấp OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) và các cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng. Trong khi đó, chỉ riêng việc khai thác lệnh từ xa cũng có thể thực hiện được thông qua phần mềm độc hại hoặc kết nối Bluetooth giả mạo.
Tarlogic đã phát triển công cụ điều khiển Bluetooth cho phép phát hiện lỗ hổng. Theo các chuyên gia của công ty, có tổng cộng 29 "chức năng ẩn" trên chip ESP32 có thể bị khai thác để mạo danh các thiết bị đã biết và truy cập các thông tin lưu trữ trên thiết bị.
ESP32 là bộ vi điều khiển giá rẻ, tiêu tốn ít điện năng, hỗ trợ kết nối Wi-Fi và Bluetooth chế độ kép. Dòng chip này sử dụng bộ vi xử lý Tensilica Xtensa LX6 ở cả hai biến thể lõi kép và lõi đơn, có anten tích hợp, bộ khuếch đại công suất, bộ khuếch đại thu nhiễu thấp, bộ lọc và module quản lý năng lượng.
Espressif, công ty sản xuất loại chip này có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết đã có hơn 1 tỷ chip ESP32 được bán trên toàn cầu vào năm 2023. Hàng triệu thiết bị IoT hiện vẫn đang sử dụng chip này.
Phản hồi về thông tin của Tarlogic, Espressif cho rằng, các lệnh ẩn được phát hiện trên "là lệnh gỡ lỗi được đưa vào cho mục đích thử nghiệm nội bộ". Công ty không đưa ra thêm bình luận về các rủi ro của những lệnh ẩn này.
Thanh Hiền (t/h) /Chất lượng Việt Nam