Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bán hàng trực tiếp

16:04 | 26/09/2024
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, bên cạnh các tác động tích cực, phương thức bán hàng trực tiếp tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng.

Khái niệm mới trong hệ thống pháp luật của Việt Nam

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ xưa đến nay luôn là yếu tố song hành với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của tổ chức, cá nhân kinh doanh nói riêng. Bởi lẽ, xem xét tới gốc rễ vấn đề, doanh nghiệp chỉ phát triển được khi "giữ chân" được khách hàng cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất định trên thị trường.

Hiện nay, doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức khác nhau để phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng: trực tiếp hoặc thông qua các bên phân phối trung gian. Trên thực tế ở nước ta, bên cạnh các kênh phân phối hàng hóa của những tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa hợp pháp thì còn nhiều tình trạng tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép các địa điểm công cộng làm nơi tiến hành các giao dịch bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Hệ quả là có không ít sản phẩm, hàng hóa giao dịch thuộc nhóm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chất lượng sản phẩm không được đảm bảo; doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của mình; và cuối cùng người tiêu dùng không được đảm bảo quyền lợi theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện, bán hàng trực tiếp vẫn còn một khái niệm mới trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Từ trước khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được ban hành ngày 20/6/2023 thì hầu như chưa có quy định pháp luật nào ở nước ta đề cập đến khái niệm hoặc thuật ngữ về bán hàng trực tiếp.

Tuy vậy, căn cứ thực tiễn, bán hàng trực tiếp đã trở nên thông dụng ở nhiều nước, đặc biệt đã tồn tại, phát triển và có lịch sử lâu đời ở nhiều nước phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả những nước, vùng lãnh thổ đang phát triển trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc); đồng thời, từ kinh nghiệm và quy định pháp lý của các nước trên thế giới, bán hàng trực tiếp (direct selling) là một phương thức bán hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua các địa điểm không phải là các cửa hàng bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp, thay vào đó, người bán hàng có thể bán hàng tại nhà, tại nơi làm việc, hoặc bán theo hình thức trực tuyến,…

Bán hàng trực tiếp là người bán hàng có thể bán hàng tại nhà, hoặc bán theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Quốc Hưng

Có rất nhiều cách khác nhau để triển khai phương thức bán hàng trực tiếp, bao gồm: Bán hàng trực tiếp một cấp (Single - level direct sales); Bán hàng đội, nhóm (Host or party - plan sales); Bán hàng đa cấp (Multi-level marketing). Cụ thể, bán hàng trực tiếp một cấp là hình thức bán hàng một - một (người bán hàng - người tiêu dùng) thông qua hình thức thuyết trình tận cửa hoặc tận nơi (door-to-door or in-person presentations), gặp gỡ trực tuyến (online meetings), hoặc thông qua danh mục hàng hóa. Với hình thức này, thông thường, thu nhập của người bán hàng chính là hoa hồng bán hàng, phụ thuộc vào doanh thu mục tiêu mà người đó đạt được.

Trong khi đó, bán hàng đội, nhóm được thực hiện với hình thức đội, nhóm, thường thực hiện bán hàng qua các buổi họp hoặc thuyết trình bán hàng đội, nhóm diễn ra tại nhà của người bán hàng hoặc nhà của khách hàng tiềm năng. Đây là một trong những phương thức phổ biến nhất của hình thức bán hàng trực tiếp. Bán hàng đội nhóm thường được tổ chức thông qua một sự kiện, thường dưới hình thức “tiệc tại gia” (home party), nơi những người bán hàng tư vấn về sản phẩm cho khách hàng.

Còn bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng dựa trên hệ thống người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, được thực hiện với nhiều dạng thức khác nhau, trong đó bao gồm tích hợp cả bán hàng một cấp và bán hàng đội nhóm. Thu nhập của người bán hàng trong hệ thống bán hàng đa cấp là hoa hồng dựa trên doanh thu bán hàng của chính người đó và hoa hồng dựa trên doanh thu được tạo ra bởi những người bán hàng khác trong hệ thống thuộc hệ thống tuyến dưới của người đó (những người do chính người bán hàng đó tuyển dụng vào hệ thống bán hàng).

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, đôi lúc, thuật ngữ “bán hàng trực tiếp” bị sử dụng một cách nhầm lẫn khi bị đánh đồng với “bán hàng đa cấp” hay “tiếp thị mạng lưới”. Tuy nhiên, những thuật ngữ này là hoàn toàn khác nhau và không thể thay thế cho nhau, bởi bán hàng đa cấp và tiếp thị mạng lưới chỉ là các dạng khác nhau của bán hàng trực tiếp, không phải tất cả các hệ thống bán hàng trực tiếp đều có liên quan tới bán hàng đa cấp.

“Ví dụ, trong hình thức bán hàng một cấp, người bán hàng chỉ được nhận hoa hồng từ doanh thu bán hàng của chính bản thân họ, trong hình thức bán hàng này không diễn ra việc tuyển dụng các thành viên bán hàng khác vào mạng lưới, đồng thời người bán hàng cũng không nhận được hoa hồng từ doanh thu của những người bán hàng khác” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nêu.

Bên cạnh các tác động tích cực, phương thức bán hàng trực tiếp tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, phương thức bán hàng trực tiếp mang lại nhiều lợi ích, giúp người tiêu dùng thỏa mãn nhu cầu khi lựa chọn mua sắm hàng hóa, dịch vụ như: Cung cấp thông tin đa dạng, điển hình như phương thức bán hàng đa cấp, người tiêu dùng được nhà phân phối không chỉ giới thiệu sản phẩm, mà còn thông tin bổ ích khác liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm, các chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt lành mạnh… Từ đó, người tiêu dùng nắm rõ thông tin sản phẩm để đưa ra quyết định cuối cùng.

Ngoài ra, bán hàng trực tiếp còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, chi phí để tiếp cận nguồn hàng hóa, dịch vụ. Bởi hàng hóa được bán trực tiếp tới người tiêu dùng, nên người tiêu dùng không cần phải di chuyển về mặt vật lý để tiếp cận nguồn hàng hóa, dịch vụ, từ đó tiết kiệm chi phí cũng như thời gian. “Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, việc cung cấp hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng đã giúp người tiêu dùng vừa thỏa mãn nhu cầu bản thân vừa đảm bảo giãn cách theo quy định của cơ quan nhà nước” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.

Bên cạnh các tác động tích cực, bán hàng trực tiếp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng như việc cung cấp thông tin không đầy đủ hay phát sinh những hành vi quấy rối người tiêu dùng, thông tin người tiêu dùng không được bảo mật an toàn, đặc biệt là vấn đề khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm, chính sách bảo hành cũng như tranh chấp phát sinh sẽ không được đảm bảo,…

Về pháp luật quản lý loại hình kinh doanh này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, bán hàng trực tiếp mới được đề cập tới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Tuy nhiên, pháp luật chưa phân loại chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm hàng hóa, sản phẩm nhất định hay từng phương thức bán hàng khác nhau.

Tương tự, Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mới dừng ở việc quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do vậy, giao dịch mua bán hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng, tiềm ẩn nhiều yếu tố và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước thực trạng đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã kiến nghị, đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, kiến nghị đưa ra theo từng nhóm chủ thể riêng biệt, với doanh nghiệp, kiến nghị nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; xây dựng, áp dụng hoặc thực hiện các bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh công khai, minh bạch, trung thực, vì người tiêu dùng và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người tiêu dùng của các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp; tham gia các Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, tạo sự lan tỏa của Chương trình này trong cộng đồng doanh nghiệp bán hàng trực tiếp.

Với cơ quan quản lý nhà nước, nhóm nghiên cứu kiến nghị nâng cao quyết tâm chính trị trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cấp ủy và chính quyền; nâng cao năng lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ quan nhà nước có liên quan; nâng cao hoạt động của các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Hiệp hội ngành hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật về bán hàng trực tiếp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kiểm soát hành vi bán hàng trực tiếp để đảm bảo tính thống nhất, khả thi; hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện Chương trình Doanh nghiệp vì Người tiêu dùng; khuyến khích, khích lệ các doanh nghiệp tham gia, hưởng các cam kết doanh nghiệp vì người tiêu dùng, sản xuất - tiêu dùng xanh, bền vững; tạo sự lan tỏa, hưởng ứng trong cộng đồng kinh doanh và xã hội.

Với người tiêu dùng, nhóm nghiên cứu kiến nghị tăng cường hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiến thức về tiêu dùng an toàn, thông minh, bền vững; xây dựng cơ chế tự vệ cho người tiêu dùng; đảm bảo khả năng tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua các thiết chế tài phán; khuyến khích, thúc đẩy người tiêu dùng thực hiện các phong trào, phương châm, khẩu hiệu trong tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng giám sát doanh nghiệp thực hiện các chương trình vì người tiêu dùng; kịp thời phản hồi, có ý kiến góp ý tới các cơ quan chức năng đối với hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của các doanh nghiệp.

Ngân Thương /Báo Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Thị trường trà Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh giá cà phê nguyên liệu tăng cao. Các chuỗi trà sữa và cà phê đ..
09:17 | 28/09/2024
Lợi suất vàng từ đầu năm đến nay ghi nhận hiệu suất cao thứ ba kể từ năm 1980, chỉ còn cách kỷ lục mọi thời đại 44 năm một bước nhỏ, theo các nhà phân..
09:06 | 27/09/2024
Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh canh, cháo, miến và các loại gia vị nêm sẵn, ..
15:57 | 26/09/2024
Thương hiệu UNIQLO vừa tổ chức sự kiện giới thiệu bộ sưu tập LifeWear Thu/Đông 2024 với chủ đề ''Timeless Tones'' - phong cách vượt thời gian.
15:43 | 26/09/2024
Sự phục hồi mạnh mẽ của các quỹ ETF và chính sách lãi suất giảm toàn cầu sẽ là động lực cho đà tăng của vàng.
10:11 | 26/09/2024
Nguồn cung căn hộ hạng sang ở trung tâm Thủ đô ngày càng khan hiếm, đẩy giá khởi điểm lên tầm cao mới.
19:36 | 25/09/2024
Sáng nay (25/9), giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng, lên mức cao nhất từ trước đến nay là 82,8 triệu đồng/lượng.
18:41 | 25/09/2024
Giá vàng đã vọt lên mức cao kỷ lục 2.631,40 USD mỗi ounce, nhờ vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây cắt giảm lãi suất và căng thẳng địa chín..
08:59 | 25/09/2024
Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu tăng vào đầu ngày thứ Hai trong bối cảnh nguồn cung từ Trung Đông và Ukraine tiếp tục có rủi ro và thời tiết lạ..
09:37 | 24/09/2024
Sự gia tăng nhiều thương hiệu mới cùng hàng loạt cửa hàng được mở cửa khiến thị trường trà sữa ngày càng cạnh tranh gay gắt, ảnh hưởng đến sự tăng trư..
08:51 | 24/09/2024

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
Phó Trưởng VP Hà Nội NB. Giang Thị Hoa
Tel: 024 39 195 195 * Fax: 024 39 196 196

icon facebook  icon-zalo  icon youtube  www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

VĂN PHÒNG - KHU VỰC ĐÔNG NAM BỘ
Trưởng VP Đồng Nai Nguyễn Duy Khương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 09 05 08 2014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up