Gạo xuất khấu của Việt Nam dự báo giảm cả lượng và giá sau động thái của Ấn Độ, nguồn cung lúa gạo lớn nhất toàn cầu.
Chính phủ Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu gạo trắng trở lại từ ngày 28/9/2024, theo văn bản của Bộ Thương mại và công nghiệp nước này. Mức giá thấp nhất được áp cho các nhà xuất khẩu là 490 USD/tấn.
Trước đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng được Ấn Độ ban hành hồi cuối tháng 7/2023 đã làm giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Ấn Độ mở lại xuất khẩu, gạo Việt Nam ra sao?
Trao đổi với TheLEADER, hôm 30/9, ông Hoàng Trọng Thủy, một nhà nghiên cứu nông nghiệp độc lập, cho rằng, động thái của Ấn Độ, nguồn cung đang chiếm tới 40% thị phần xuất khẩu gạo của thế giới, có thể "làm giảm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam".
Giá gạo xuất khẩu hiện ở mức 562 USD/tấn ngày 27/9/2024, cao hơn mức 556 USD của Thái Lan và 532 USD của Pakistan, ông Thủy dẫn số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu 5 tỷ USD từ xuất khẩu gạo, bởi ảnh hưởng của bão số 3 tác động lên diện tích lúa vào các tỉnh phía Bắc, nơi sản lượng phục vụ tiêu dùng trong nước, còn gạo xuất khẩu tập trung ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đến nay, sản lượng lúa gạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có thay đổi lớn, nhưng sản lượng của miền Bắc bị giảm đáng kể, ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tấn, theo ông Thủy.
"Lúc này, việc phía nhà quản lý cần làm là kiểm kê lại toàn bộ lượng gạo, tính toán lượng gạo dự trữ, mức tồn kho, các hợp đồng đã ký, đối chiếu với sản lượng lượng lúa gạo vụ mùa này. Trên cơ sở đó mới tính đến xuất khẩu”, ông Thủy khuyến cáo.
Xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2024 đạt 6,15 triệu tấn với trị giá 3,85 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan. Gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất sang thị trường ASEAN (hơn 70% tổng lượng gạo).
"Xuất khẩu gạo cần xác định rõ phân khúc gạo và thị trường nhập khẩu". Ông Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh rủi ro sản lượng gạo của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó dự đoán.
Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sang châu Âu các sản phẩm cấp cao như gạo dẻo, gạo thơm, gạo dinh dưỡng, với giá trên 1.000 USD/tấn. Tuy nhiên, nếu hướng tới Philippines, Indonesia, nhu cầu thị trường vẫn thường là gạo trắng, mức giá khoảng 542 – 560 USD/tấn.
Kiều Mai /Nhà Quản Trị