Tăng sức đề kháng, ứng phó kịp thời với căng thẳng thương mại để thúc đẩy xuất khẩu

09:27 | 14/02/2025
Bộ Công Thương chủ động xây dựng kịch bản ứng phó khi căng thẳng thương mại leo thang, khuyến nghị doanh nghiệp bám sát biến động thị trường, đầu tư dài hạn, nâng cao năng lực và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Chủ động ứng phó trước căng thẳng thương mại

Trước tình hình căng thẳng thương mại leo thang, Bộ Công Thương đã nhanh chóng xây dựng các kịch bản và phương án ứng phó nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, sự chủ động là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội. Doanh nghiệp cần theo sát biến động thị trường, các yếu tố chính trị - xã hội để điều chỉnh kịp thời.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt sóng gió thương mại toàn cầu. Ảnh minh họa

Việc đầu tư bài bản, hướng tới mục tiêu dài hạn là cần thiết, đặc biệt trong phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu thị trường, nắm rõ các quy định, tiêu chuẩn mới để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Xuất khẩu – Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Dự báo xuất khẩu năm 2025 tăng 3%, tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung với việc Hoa Kỳ áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng chuỗi cung ứng và thị trường Việt Nam.

Việc gia tăng các rào cản thương mại, xu hướng phi toàn cầu hóa, cùng những biến động chính trị khiến cho việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trở nên khó khăn hơn. Bộ Công Thương nhận định, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% và đóng góp 8-10% GDP, cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp, các ngành và doanh nghiệp.

Nhằm hạn chế những rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể như sau: Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 Hiệp định thương mại tự do và gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước (Ủy ban liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Hội đồng thương mại...) để khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm và thị trường truyền thống, phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.

Thứ hai, tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng, thông qua việc nghiên cứu, phổ biến thông tin, cơ hội thị trường tới các doanh nghiệp, đề xuất đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới với các thị trường có nhiều tiềm năng, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép thiết lập mới, tăng cường sự hiện diện của các đại diện thương mại Việt Nam (các Thương vụ thuộc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) tại các thị trường tiềm năng, nhằm phục vụ phát triển hoạt động ngoại thương của đất nước, hỗ trợ bảo vệ lợi ích kinh tế, thương mại của Việt Nam, thương nhân Việt Nam trong hoạt động ngoại thương.

Thứ ba, các đơn vị trong Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp. Tăng cường cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về thách thức, cơ hội để doanh nghiệp xây dựng các chiến lược/ kế hoạch thích ứng phù hợp.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành trong việc đẩy mạnh việc thực hiện Đề án của Chính phủ về "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" nhằm tăng cường chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; xử lý nghiêm các vi phạm; tiếp tục tranh thủ xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế, cũng như lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ các nước công nghiệp phát triển, trong các ngành công nghệ cao và các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ quan trọng. Đồng thời, tăng cường giám sát cấp phép các dự án đầu tư mới, sàng lọc nghiêm ngặt vốn đầu tư nước ngoài để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển, lợi dụng nguồn gốc xuất xứ của nước thứ ba.

Thứ năm, triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng cụ thể, sát theo từng thị trường và ngành hàng, tập trung vào các nội dung: Tăng cường nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; Khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như: thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu; Huy động hệ thống chuyên gia để huấn luyện và phổ biến cho doanh nghiệp về các tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu;

Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với xu thế phát triển thị trường và tận dụng nguồn lực hỗ trợ phát triển thương mại ở những ngành hàng, khu vực thị trường phù hợp với thực tế; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhật mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam; Hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.

Thứ sáu, tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong các hoạt động xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới.

Thứ bảy, tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đối với người Việt ở trong nước và với Kiều bào ta ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, kết nối giao thương và xây dựng thương hiệu. Thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là trọng điểm, với cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) giúp củng cố lòng tin và đảm bảo sự ổn định trong quan hệ thương mại song phương.

Doanh nghiệp Việt cần chủ động xây dựng chiến lược đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát nguồn nguyên liệu và hợp tác đầu tư một cách thận trọng để thích ứng với biến động toàn cầu. Ngoài ra, việc cập nhật thông tin thị trường, tham gia các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Duy Trinh (t/h) /Chất lượng Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Năm 2025, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một bài toán đầy nan giải: Làm thế nào để vừa ứng phó hiệu quả với những khó khăn do chiến tra..
09:04 | 15/02/2025
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa cùng xuất khẩu nội khối có thể giúp châu Á có thêm động lực tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
09:18 | 13/02/2025
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 1.2025 đạt 774,3 triệu USD, tăng ..
08:53 | 12/02/2025
Bộ Công Thương cho biết, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên..
08:32 | 12/02/2025
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 1.2025, cả nước nhập khẩu 7.226 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 163 triệu USD. So với tháng trước, lượng ..
09:17 | 11/02/2025
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1.2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 63,15 tỉ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng..
09:22 | 10/02/2025
Tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của TP. Hải Phòng đạt hơn 9.649 triệu USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ; làm thủ tục gần 216 nghìn tờ..
09:14 | 10/02/2025
Muốn tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cần phát triển được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn mạnh, làm trụ cột, gánh vác những trọng trách l..
08:39 | 09/02/2025
Có lẽ điều ổn định duy nhất về thương mại toàn cầu hiện nay lại chính là sự bất định to lớn.
09:41 | 08/02/2025
Theo trang mạng tin tức thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc (comnews.cn), trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc - Việt ..
08:59 | 07/02/2025

 

Giấy phép hoạt động Số 03 /GP - TTĐT
Sở TTTT Hải Phòng cấp ngày 06 /5 /2021
Trụ sở: 47 /384 Lạch Tray, P. Đằng Giang
Quận Ngô Quyền - Thành phố Hải Phòng
marketnews.vn@gmail.com /0905414241

BAN BIÊN TẬP - HÀNH CHÍNH & TRỊ SỰ
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Việt Thắng

VPĐD BẢN TIN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
N.Khách La Thành - Văn phòng Chính phủ
226 Phố Vạn Phúc, Q. Ba Đình, TP Hà Nội
Trưởng VP TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng

Tel: (024) 39 195195 * Mobile: 0965126212

icon facebook   icon-zalo   icon youtube   www.tiktok.com/@thitruongvietnam.vn   Chung nhan Tin Nhiem Mang

TRUYỀN THÔNG VÀ TỔ CHỨC SỰ KIỆN
Phó Trưởng Phòng: Triệu Thị Bảo Thương

VP HCM: 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3
Trưởng VP TP. HCM Nhà báo Đinh Gia Cư
Tel: (028) 39181920 * Fax: (028) 39181920

(*)Không sao chép dưới mọi hình thức
Tra cứu  | Đường Dây nóng: 0905082014

Vận hành bởi Công ty TNHH Bản tin Thị trường Việt Nam
icon up