BMW đã bán 426.594 xe điện trong năm 2024, chiếm 17% tổng doanh số - một minh chứng cho chiến lược linh hoạt giúp hãng vững vàng trước sự chững lại của thị trường xe điện toàn cầu.
BMW đã đặt cược vào các nền tảng linh hoạt có thể hỗ trợ cả động cơ đốt trong, hybrid và điện. Giờ đây, lựa chọn này đang giúp hãng gặt hái thành quả khi thị trường xe điện toàn cầu không phát triển như kỳ vọng.
![](https://cms.thitruongvietnam.vn/uploads/images/1-1230.jpg)
Hình minh họa 2 chiếc xe hybrid của BMW bên cạnh 1 chiếc tàu lượn siêu tốc thể hiện sự linh hoạt. Ảnh: BMW
Giống như nhiều nhà sản xuất ô tô khác, BMW đang quan sát sát sao thị trường xe điện (EV) và đưa ra quyết định mang hơi hướng chiến lược của Toyota: không đặt tất cả vào một lựa chọn duy nhất.
Tuy nhiên, khác với các đối thủ như Mercedes-Benz hay Audi, việc đầu tư từ trước vào các nền tảng linh hoạt giúp BMW dễ dàng duy trì dòng xe sử dụng động cơ đốt trong mà không gặp nhiều khó khăn như các hãng khác.
Cách tiếp cận thực dụng của BMW
Cách đây vài năm, BMW từng bị chỉ trích khi quyết định phát triển nhiều mẫu xe điện trên nền tảng chung với các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong. Các mẫu i4, i5 và i7 đều sử dụng kiến trúc chung với phiên bản động cơ xăng của chúng. Điều này giúp BMW có thể dễ dàng điều chỉnh tỷ lệ sản xuất giữa xe điện và xe động cơ đốt trong, một lợi thế mà các đối thủ không có.
Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của chiến lược này khi ngay cả Mercedes cũng phải học theo, công bố rằng mẫu CLA EV sắp ra mắt cũng sẽ có phiên bản hybrid.
Ngược lại, nhiều thương hiệu lớn đã lao vào cuộc đua xe điện một cách vội vã. Vì lo sợ bị bỏ lại phía sau hoặc do thị trường thay đổi quá nhanh, các hãng xe châu Âu đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào mảng xe điện, nhưng tốc độ tăng trưởng không đạt kỳ vọng. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho các hãng đặt cược hoàn toàn vào xe điện.
Trong khi đó, BMW lại chọn cách tiếp cận thực dụng hơn. Theo Financial Times, hãng xe Đức sẽ tiếp tục đầu tư vào động cơ đốt trong và hybrid, nhất là trong bối cảnh chính sách của chính quyền Mỹ có thể thay đổi đáng kể.
Đặt cược vào sự linh hoạt
“Tôi nghĩ sẽ thật ngây thơ nếu tin rằng điện khí hóa là con đường một chiều. Đây sẽ là một chuyến tàu lượn siêu tốc”, Jochen Goller, thành viên Hội đồng Quản trị BMW, chia sẻ với Financial Times. “Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục đầu tư vào động cơ đốt trong, các mẫu hybrid hiện đại và vẫn mở rộng danh mục xe điện”.
Chỉ cách đây không lâu, các hãng xe bị chỉ trích vì không đầu tư đủ mạnh vào xe điện. Sức ép từ thị trường buộc Volkswagen, Audi, Mercedes-Benz và nhiều thương hiệu khác phải đẩy nhanh quá trình điện khí hóa.
Tuy nhiên, khi tốc độ chuyển đổi sang xe điện không diễn ra như kỳ vọng, nhiều hãng đang chật vật điều chỉnh chiến lược để tránh lãng phí hàng tỷ USD đầu tư. Ngược lại, BMW với định hướng linh hoạt lại đang có vị thế vững chắc hơn so với các đối thủ.
Chiến lược này khá tương đồng với cách tiếp cận "đa công nghệ" của Toyota, khi không từ bỏ động cơ đốt trong và hybrid mà vẫn phát triển xe điện song song. Sự kiên định với chiến lược ban đầu giúp BMW duy trì vị thế vững chắc trên thị trường xe điện toàn cầu. Theo Patrick Hummel, chuyên gia phân tích từ UBS, BMW đang ở vị trí “hoàn toàn phù hợp” với thị phần xe điện toàn cầu.
Kết quả kinh doanh và những thách thức phía trước
Năm 2024, BMW đã bán 426.594 xe điện, chiếm khoảng 17% tổng doanh số của hãng. Nếu tính cả hybrid sạc điện và các mẫu xe điện hóa, con số này chiếm khoảng 25% doanh số toàn cầu. Đây không chỉ là một tỷ lệ hợp lý đối với một thương hiệu xe sang mà còn giúp BMW đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải của Liên minh châu Âu (EU) mà không cần áp dụng các chính sách giảm giá mạnh để kích cầu.
Tuy nhiên, thị trường Mỹ lại mang đến nhiều bất ổn. Chính quyền mới có thể thay đổi chính sách ưu đãi thuế cho xe điện, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu, khiến tương lai xe điện của BMW tại Mỹ trở nên khó đoán.
Dù vậy, khoảng 65% số xe BMW bán tại Mỹ, bao gồm phần lớn các mẫu SUV lợi nhuận cao, được sản xuất trong nước. Điều này giúp hãng giảm thiểu tác động từ các chính sách mới.
Trong khi đó, Trung Quốc lại là một thị trường đầy thách thức khác. Người tiêu dùng Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang các mẫu xe điện nội địa với giá cạnh tranh và công nghệ tiên tiến. Từ phân khúc bình dân đến xe sang, các thương hiệu trong nước ngày càng chiếm ưu thế, khiến doanh số của các hãng nhập khẩu như BMW sụt giảm. Tuy nhiên, với việc thị phần xe điện tiếp tục mở rộng ngoài Trung Quốc, BMW vẫn có cơ hội phát triển.
Tương lai của BMW: Không chỉ là xe điện
Dù vẫn đầu tư vào xe sử dụng động cơ đốt trong và hybrid, BMW không hề bỏ rơi mảng xe điện. Năm nay, hãng sẽ ra mắt nền tảng Neue Klasse - một hệ thống kiến trúc xe điện hoàn toàn mới với phạm vi hoạt động dài hơn, sạc nhanh hơn và tập trung mạnh vào công nghệ phần mềm.
Các chuyên gia nhận định đây là một bước đi thông minh, giúp BMW giữ vững vị thế không chỉ trong lĩnh vực đa dạng hóa hệ truyền động mà còn ở thị trường xe điện định hướng phần mềm.
Khi các hãng xe khác đang phải lùi bước và xem xét lại chiến lược xe điện, BMW dường như đang đi đúng hướng, sẵn sàng thích ứng với những biến động của thị trường.
“Chúng tôi đã dự đoán rằng khách hàng sẽ không muốn bị bó buộc bởi hệ truyền động”, Goller chia sẻ. “Chúng tôi đã đi theo con đường mà giờ đây các hãng khác mới bắt đầu học theo”.
Hải Hà (InsideEVs) /Nhà báo và Công luận