Nhà xưởng dựng tạm bợ xen lẫn trong dân cư, xây dựng theo kiểu ''chuồng cọp'', có một lối vào duy nhất, sắp xếp hàng hóa không hợp lý, lấn chiếm lối thoát nạn... là nguyên nhân của nhiều vụ hỏa hoạn tại Hà Nội trong thời gian qua. Đã đến lúc phương án di dời các nhà xưởng, cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư cần được thực hiện rốt ráo.
Rủi ro tiềm ẩn
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới vào ngày 23 và 24-10, riêng trên phố Quang Tiến (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có đến 14 nhà xưởng gia công giấy xen kẽ trong khu dân cư. Tuyến phố chật chội, song các phương tiện xe máy, ô tô tải ra vào liên tục để vận chuyển hàng hóa gây áp lực cho hạ tầng giao thông.
Đa số xưởng gia công giấy sau in tại phố Quang Tiến, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) đều chưa bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: VD
Tại một xưởng gia công giấy trên phố Quang Tiến, nhiều nguyên liệu, bìa cứng vứt ngổn ngang, nhiều cuộn giấy được xếp chồng lên nhau... và các phương tiện phòng cháy, chữa cháy thì sơ sài với ít bình xịt cứu hỏa, bọt khí...
Một nhà xưởng khác có diện tích 200m2 tại ngõ 65 phố Quang Tiến chứa đầy các cuộn giấy và bìa các-tông, hệ thống dây điện tạm bợ, không được đưa vào trong ống gen.
Chị Nguyễn Thị Lan, người dân sống tại phố Quang Tiến cho biết, các kho xưởng gia công giấy đã tồn tại từ nhiều năm qua. Các cơ sở này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Vụ cháy xưởng giấy tại ngõ 51 phố Quang Tiến ngày 19-9 vừa qua là một ví dụ.
Vụ cháy xưởng giấy tại ngõ 51 phố Quang Tiến ngày 19-9 vừa qua là một bài học đau lòng. Ảnh: VD
Tương tự, tại quận Bắc Từ Liêm, xã Minh Khai có nhiều kho hàng, cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh, được quây tôn, xây dựng theo kiểu “chuồng cọp”, hàng hóa để chật cứng lối đi, lối thoát nạn.
Khảo sát tại đường Phú Minh cho thấy, có hàng chục kho xưởng mọc lên tại đây. Các hộ dân sinh sống xen lẫn quanh các cửa hàng kinh doanh ăn uống, sửa chữa điện tử, điện lạnh, lắp đặt động cơ điện, ống thép… Điều đáng nói, các kho, xưởng thì ngổn ngang nguyên liệu và dây điện chằng chịt… rất khó để bảo đảm an toàn cháy nổ.
Thực tế sáng 27-10, phóng viên ghi nhận, bên trong một cửa hàng sửa chữa điện tử, điện lạnh là hàng trăm mặt hàng lớn nhỏ như quạt, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy giặt cùng các phụ kiện sửa chữa, dây điện buông thõng. Hay tại một xưởng sửa chữa, lắp đặt động cơ điện, nhiều thiết bị, máy móc… để chật kín lối ra vào.
Nguy cơ cháy nổ tại cơ sở sửa chữa điện tử, điện lạnh tại đường Phú Minh (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: VD
Tình trạng nêu trên cũng diễn ra khá phổ biến tại các huyện Đan Phượng, Sóc Sơn, Đông Anh…
Cần phương án di dời
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Viết Hùng cho biết, phố Quang Tiến có 14 nhà xưởng nhỏ hoạt động gia công giấy sau in, như gia công hộp các-tông, vỏ hộp để đồ bằng giấy, bìa... Hằng năm, phường đều kiểm tra và xác định hầu hết các nhà xưởng chưa bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Theo ông Hùng, ngày 16 và 17-10 vừa qua (sau vụ cháy tại xưởng gia công sau in ở ngõ 51 phố Quang Tiến), UBND phường đã kiểm tra đột xuất công tác phòng cháy, chữa cháy tại 14 cơ sở nêu trên. Đoàn kiểm tra phát hiện các cơ sở trang bị không đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, không bảo đảm yêu cầu về ngăn cháy, bố trí hàng hóa che khuất, cản trở lối tiếp cận chữa cháy...
Các phương tiện phòng cháy, chữa cháy được trang bị sơ sài tại các xưởng giấy trên phố Quang Tiến, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: VD
Theo ông Hùng, kiểm tra thực tế tại Xưởng gia công sau in Đào Mạnh Cường tại đường Quang Tiến, đoàn kiểm tra nhận thấy xưởng chưa lưu giữ đầy đủ tài liệu trong hồ sơ phòng cháy, chữa cháy; trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy không đầy đủ theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, một số vị trí dây dẫn điện không đi trong ống gen, không có aptomat riêng cho khu vực nghỉ trưa của nhân viên...
Còn Xưởng gia công sau in Trần Huy tại ngõ 45 phố Quang Tiến, ngoài việc chưa lưu giữ đầy đủ tài liệu trong hồ sơ phòng cháy, chữa cháy theo quy định, cơ sở này còn không bảo đảm yêu cầu về ngăn cháy tại khu vực tường bao tôn tiếp giáp với khu vực xung quanh. Hay Xưởng gia công Anh Đức tại ngõ 53 phố Quang Tiến cũng bị phạt vì lỗi bố trí hàng hóa là bìa các-tông thành phẩm gần tủ điện, thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Sau khi kiểm tra, phát hiện lỗi vi phạm, UBND phường đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính gần 40 triệu đồng với 8 cơ sở. “UBND phường đã yêu cầu các hộ phải khắc phục ngay những tồn tại. Quan điểm của phường là yêu cầu chấm dứt hoạt động nếu các hộ không trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định và xử phạt nghiêm”, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ khẳng định.
Về phương án di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, ông Nguyễn Viết Hùng cho rằng, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nên UBND phường không có căn cứ để thực hiện.
Đối với vấn đề kho hàng, nhà xưởng tồn tại ở quận Bắc Từ Liêm và một số quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội, theo trả lời của các địa phương, hoạt động này chủ yếu là các hộ gia đình ở kết hợp sản xuất quy mô nhỏ. Cơ bản các hộ đã ký cam kết về an toàn phòng cháy, chữa cháy, trang bị bình cứu hỏa…
Nguy cơ cháy nổ tại cơ sở sửa chữa điện tử, điện lạnh tại đường Phú Minh (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: VD
Nhưng trong thực tế, rất nhiều vụ cháy nổ xuất phát từ nhà xưởng, kho hàng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn là hậu quả của việc thiếu ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở sản xuất cũng như sự lỏng lẻo trong công tác quản lý của chính quyền địa phương. Vì thế, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phương án di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư cần được các cấp chính quyền nghiên cứu giải pháp để có phương án thực hiện.
Trước mắt, khi chưa thể di dời ngay thì chính quyền địa phương phải mạnh tay hơn đối với các cơ sở không chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Kim Vũ /Hànộimới