Trong đợt cao điểm chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
Cụ thể, ngay từ đầu đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng quán triệt, triển khai nhiệm vụ đến từng tổ công tác, các kiểm soát viên trong đơn vị cần chủ động bám sát kế hoạch để nắm bắt tình hình, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường tại địa bàn được phân công quản lý.
Đặc biệt chú trọng công tác giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh đối với mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết như: lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, bánh kẹo, rượu bia, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, sản phẩm động vật…
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra hàng hóa trên địa bàn. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên
Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức giám sát các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa lưu thông trên các tuyến đường giao thương qua địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,…
Kết quả, tính đến ngày 05/02/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tổ chức kiểm tra, xử lý 37 vụ việc, tổng số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước (tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu) là 440 triệu đồng; tổng trị giá hàng hoá vi phạm gần 265 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu về các lĩnh vực thời trang (quần áo, giày dép,…), thực phẩm (bánh kẹo, thực phẩm đóng gói,…), đồ chơi trẻ em, phụ kiện điện thoại, đồ gia dụng, khoáng sản… là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cũng trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh hàng hóa trên địa bàn thời điểm cận tết, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 đã thực hiện việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại địa chỉ tổ 9, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên của HKD N.M.Đ do ông N.M.Đ làm chủ.
Tại thời điểm khám, Đoàn kiểm tra phát hiện trong kho có chứa 520kg chân gà nhập lậu (16 thùng chân gà rút xương loại 20kg/thùng, 20 thùng chân gà loại 10kg/thùng). Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đều có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn hàng hóa có dòng chữ thể hiện số chân gà này có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là gần 20 triệu đồng. Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông N.M.Đ không xuất trình được bất kỳ hoá đơn chứng từ gì liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa trên.
Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 3 cũng đã phối hợp với cơ quan Công an tiến hành kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh do ông T.M.H làm chủ, có địa chỉ tại xã Kha Sơn (Phú Bình). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 100 đơn vị sản phẩm thực phẩm là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận về thời hạn sử dụng.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện tại cơ sở của ông T.M.H đang kinh doanh hơn 300kg hàng hóa vi phạm, gồm: 40 thùng hướng dương là hàng hóa nhập lậu loại 5kg/thùng, 10 thùng táo khô là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ loại 8kg/thùng và 95 hộp mứt tết loại 300gam/hộp gian lận về thời hạn sử dụng. Chủ hộ kinh doanh khai nhận số hàng hóa vi phạm mua về để kinh doanh trong dịp tết Nguyên đán.
Không chỉ trường hợp trên, thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Quản lý thị trường các địa phương cũng liên tiếp phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quần áo giả mạo nhãn hiệu, hoa quả nhập lậu... Theo đó, từ ngày 20/11/2023 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 187 trường hợp, xử lý 163 vụ, với tổng trị giá hàng hóa tịch thu trên 840 triệu đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 260 triệu đồng.
Để kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác kiểm tra, xử lý, siết chặt thị trường. Theo ông Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên, thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ với các ngành siết chặt kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó chú trọng đến các lĩnh vực trọng điểm, ngành hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cận, sau tết.
An Dương /Chất lượng Việt Nam