Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức với chủ đề ''Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics'' sẽ diễn ra vào đầu tháng 12/2024 nhằm thiết lập cơ chế phối hợp, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp logistics, tạo mối liên hệ gắn kết và thúc đẩy tăng trưởng logistics với sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013 nhằm phối hợp đồng bộ các hoạt động để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.
Logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân
Từ năm 2017, Diễn đàn trở thành một trong 60 nhiệm vụ được nêu trong Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đồng thời được khẳng định lại, giao cho Bộ Công Thương thực hiện tại Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 sẽ là diễn đàn được tổ chức lần thứ 12. Diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Việc triển khai các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và thế hệ mới đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới năm 2024 dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, bất ổn, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Cùng với đó, xu hướng phát triển bùng nổ của thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới, cùng với yêu cầu ngày càng cao về logistics xanh và phát triển bền vững vừa là cơ hội và cũng là thách thức với ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Việc tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 nhằm thảo luận, đề xuất và kiến nghị triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển dịch vụ logistics cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế đất nước.
Năm 2024 cũng là năm nước rút để các Bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các nhiệm vụ được giao nhằm đạt được mục tiêu về phát triển dịch vụ logistics đặt ra tại Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Đồng thời, chuẩn bị cho việc hoàn thiện và ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn và giải pháp đột phá để tiếp tục tận dụng thời cơ, đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 được Bộ Công Thương tổ chức nhằm thiết lập cơ chế phối hợp, đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước, tạo mối liên hệ gắn kết và thúc đẩy tăng trưởng logistics với sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Với tầm quan trọng và uy tín của Diễn đàn đã khẳng định qua các năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và chỉ đạo Diễn đàn. Diễn đàn quy tụ hơn 500 đại biểu gồm Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đông Tây Nam Bộ; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, các chuyên gia và các cơ quan truyền thông, báo chí trên cả nước.
Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ có Hội thảo chuyên đề được tổ chức vào chiều cùng ngày với các nội dung chuyên môn sâu, xoay quanh chủ đề của Diễn đàn. Trước đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại các cảng, trung tâm logistics lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như khu vực lân cận cho các đại biểu tham dự Diễn đàn. Các đại biểu không có điều kiện tham dự trực tiếp nhưng quan tâm đến Diễn đàn sẽ theo dõi mọi hoạt động của Diễn đàn qua các kênh trực tuyến của chương trình.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.
Lê Kim Liên /Chất lượng Việt Nam