Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp cần được kích hoạt thông qua tháo gỡ nút thắt trong triển khai các công cụ tài chính xanh.
Chuyển đổi xanh đòi hỏi nhiều nguồn lực cả về tài chính và con người. Ảnh: Hoàng Anh
Là thương hiệu lớn, có vốn đầu tư nước ngoài, Nestlé Việt Nam sở hữu nhiều giải pháp hướng đến đồng bộ hóa chuỗi giá trị theo hướng phát triển bền vững, từ khâu nguyên vật liệu đầu vào cho tới sản xuất và phân phối. Toàn bộ chuỗi giá trị đó, theo bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao của Nestlé Việt Nam, không thể thiếu đi bóng dáng của nhóm doanh nghiệp nhỏ.
“Chuyển đổi xanh là việc không thể đi một mình, đòi hỏi tất cả chuỗi cung ứng, bao gồm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cùng tham gia chuyển đổi”, bà Thương nói.
Sự chuyển đổi mang tính đồng bộ sẽ cộng hưởng để tạo ra những tác động lớn lao. Tuy nhiên, đây cũng là nút thắt của chuyển đổi xanh bởi nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm đến 96% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, bị hạn chế bởi nguồn lực, khó có thể thực hiện những giải pháp chuyển đổi.
Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng phát triển bao trùm, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết, trong khi doanh nghiệp lớn có sự tiếp cận nhanh và hành động rõ ràng hơn, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ dừng ở bước nhận thức, chưa có thay đổi mang tính rõ rệt về chuyển đổi xanh.
Theo bà Ngọc, nguồn lực tài chính là cản trở lớn nhất để doanh nghiệp chuyển đổi xanh, trong bối cảnh môi trường chính sách, môi trường kinh doanh hướng đến phát triển bền vững vẫn chưa được thiết kế một cách thông thoáng, rõ ràng. Doanh nghiệp nhỏ không có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận vốn ngân hàng, lại chưa có cơ chế khơi thông dòng tài chính xanh.
Đồng quan điểm, Luật sư Vũ Minh Tiến, thành viên HĐQT VIAD Group, lấy ví dụ về tín chỉ carbon, khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong 10 năm trở lại đây, đang được nhiều quốc gia triển khai để hướng dòng tiền tới các giải pháp giảm phát thải, chuyển đổi xanh nhưng Việt Nam vẫn trong quá trình xây dựng khung pháp lý.
Hoặc đối với công cụ tín dụng xanh, cũng vì vấn đề chưa có khung pháp lý rõ ràng trong phân loại dự án xanh, dẫn đến trường hợp doanh nghiệp khẳng định dự án của họ mang tính chuyển đổi xanh nhưng ngân hàng, tổ chức tín dụng không đồng tình và không chấp nhận cấp vốn.
“Mặc dù đã có một số thông tư hướng dẫn nhưng vẫn còn một bài toán lớn được tháo gỡ để khơi thông nguồn tài chính xanh”, ông Tiến nhận xét.
Ngay cả doanh nghiệp lớn cũng gặp vướng mắc trong tiếp cận tài chính xanh, chẳng hạn như Khu công nghiệp DEEP C không thể tiếp cận vốn ưu đãi bởi quy mô dự án điện mặt trời, do liên quan đến quy hoạch, không đủ để vào diện được vay ưu đãi. Hoặc một dự án tái chế lớn không được giải ngân khoản tín dụng xanh do các yêu cầu liên quan đến tài sản thế chấp.
Không ít doanh nghiệp khi triển khai các dự án phát triển bền vững, chuyển đổi xanh luôn tính toán đến tiềm năng tiếp cận công cụ tài chính xanh. Do vậy, đến khi phát sinh các vướng mắc, doanh nghiệp bắt buộc phải tính toán lại, chấp nhận vay thương mại nếu có đủ nguồn lực hoặc bỏ luôn cả dự án.
Điều này tạo ra một lỗ hổng khiến những giải pháp, sáng kiến chuyển đổi xanh có tiềm năng nhưng chậm được đưa vào thực tế. Trong khi, nếu xét theo cả chuỗi giá trị, những giải pháp, sáng kiến đó có thể giải quyết được nhiều bài toán cho cộng đồng doanh nghiệp và có tác động lan tỏa lớn.
Theo ông Tiến, Nhà nước đang tích cực xây dựng chính sách, khung pháp lý liên quan đến tài chính cho chuyển đổi xanh, chẳng hạn như danh mục dự án xanh, tiêu chí phân loại xanh, hành lang pháp lý về thị trường tín chỉ carbon. Trong thời gian chờ đợi các chính sách được hoàn thiện và đi vào hiệu lực, ông Tiến khuyến nghị doanh nghiệp nên chuẩn bị trước về chiến lược và kế hoạch.
Còn theo ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc quốc gia Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tại Việt Nam, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình đội ngũ nhân sự có nhận thức, kiến thức về chuyển đổi xanh. Bởi lẽ, nhân lực cũng là nguồn lực đặc biệt quan trọng để dẫn dắt quá trình chuyển đổi xanh thành công.
Hoàng Đông /Nhà Quản trị