Tại các chợ đầu mối, việc giao thương, buôn bán luôn diễn ra tấp nập với các đoàn xe nối đuôi nhau ra vào. Tuy nhiên, có nhiều phương tiện vận tải tùy tiện dừng đỗ sai quy định, không chỉ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mà còn gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị quanh khu vực.
Để ngăn chặn, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý nhưng vì mục đích kinh doanh, người buôn bán vẫn tái diễn vi phạm.
Lấn chiếm lòng, lề đường tại chợ đầu mối phía Nam
Lấn chiếm lòng, lề đường tràn lan
Ngày 25-10-2024, ghi nhận thực tế tại chợ đầu mối phía Nam, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), phóng viên nhận thấy, sau 23h, tiểu thương và các phương tiện chở hàng hóa bắt đầu đổ về khu vực để buôn bán. Nhiều lái xe thường dừng đỗ ô tô ngay trước lối vào chợ, một số ngang nhiên biến lòng, lề đường thành điểm kinh doanh. Khi xe này bán hết hàng, lập tức có xe khác vào lấp chỗ. Việc buôn bán thường kéo dài đến hơn 8h sáng hôm sau, khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn khi qua lại. Tình trạng biến vỉa hè, lòng đường thành điểm giao thương, buôn bán trái quy định còn diễn ra phía trước cổng chợ và trên lối đi giữa các tòa chung cư phía đối diện.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Nhiều ngày qua, phóng viên nhận thấy, hằng ngày, cứ vào khoảng 22h, từng đoàn xe ô tô từ khắp nơi lại nối đuôi nhau đổ về chợ để tập kết, trao đổi hàng hóa.
Để thuận tiện cho việc vận chuyển, nhiều lái xe thường dừng đỗ phương tiện ngay dưới lòng đường quốc lộ 32 khiến cho giao thông hướng vào thành phố gặp nhiều khó khăn khi qua đây. Đến khoảng 6h, sau khi thu mua lại rau, quả, gia cầm, thủy sản từ các lái buôn, một số tiểu thương cùng với các hộ dân sống quanh khu vực chợ lại tiếp tục bày bán hàng hóa lấn chiếm lòng, lề đường. Thậm chí, nhiều trường hợp còn đặt lò than, chế biến thực phẩm ngay trên vỉa hè.
Việc tập kết hàng hóa buôn bán, để ô tô, xe tự chế, thúng mẹt bừa bãi còn diễn ra tại chợ Long Biên, phường Phúc Xá (quận Ba Đình). Mặc dù trên thực tế, khu chợ này chỉ là chợ loại 2 (thuộc sự quản lý của UBND quận Ba Đình), nhưng vì có vị trí thuận lợi nên chợ ngày một phình to và hoạt động buôn bán như một chợ đầu mối.
Cần quyết liệt xử lý
Đi thực tế tại chợ Long Biên, phóng viên được biết hiện nay chợ có trên 1.000 ki ốt và các gian hàng bán hoa quả, thủy, hải sản… Như vậy là chợ có quy mô lớn gấp hai lần so với quy định hoạt động của chợ loại 2. Cũng do phải đáp ứng nhu cầu mua bán, giao thương ngày một tăng nên nhiều hộ kinh doanh đã tràn cả ra các tuyến ngõ, đường Hồng Hà, phố Tân Ấp… để kinh doanh.
Thường nhật, khoảng 18h, hàng nghìn lượt phương tiện lại đổ về chợ. Do mặt bằng không đáp ứng được việc luân chuyển hàng hóa nên các lái xe, tiểu thương thường cho xe đỗ ngay dưới đường Hồng Hà và các bãi đất trống để đón khách. Đáng nói là, cũng bởi lòng đường liên tục bị các phương tiện án ngữ, ra vào gây cản trở nên tại đây liên tục phát sinh các vụ va quệt, ùn tắc kéo dài. Bên cạnh đó, do công tác vệ sinh môi trường không được xử lý kịp thời nên sau mỗi buổi chợ, rác thải dồn lại, ứ đọng, chất thành đống trên mặt đường.
Trao đổi về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Nguyễn Trung Kiên cho biết, nguyên nhân để xảy ra các tồn tại nêu trên chủ yếu là do công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý còn hạn chế. Bên cạnh đó còn do hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương. Mặt khác, một bộ phận người buôn bán còn thiếu ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Kiên, trong 9 tháng của năm 2024, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 78 triệu đồng đối với 106 trường hợp dừng, đỗ ô tô sai quy định; 102,5 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm lòng, lề đường... Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rời khỏi hiện trường, vi phạm lại tái diễn.
Về việc xử lý các vi phạm trật tự giao thông, đô thị xung quanh chợ đầu mối phía Nam, Thiếu tá Phạm Tiến Văn, Phó Trưởng Công an phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) cũng cho biết, 3 tháng gần đây, Công an phường đã kiểm tra, xử phạt trên 22,1 triệu đồng đối với 246 trường hợp buôn bán bằng xe đẩy, xử phạt 95 triệu đồng đối với 38 trường hợp kinh doanh trên vỉa hè. Nhưng do chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền cũng như cơ quan quản lý nên vi phạm về an toàn giao thông, trật tự đô thị tại khu vực họp chợ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Rõ ràng, tại các khu chợ đầu mối, chợ lớn như ghi nhận nêu trên, đến nay, các địa phương vẫn chưa tìm ra biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả, lâu dài đối với các hành vi gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị. Để việc đi lại của người dân được an toàn, thuận tiện, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị, tránh tình trạng vi phạm lan rộng, các cấp chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông trên địa bàn.
Nguyên Hà /Hànộimới